Chương trình cũng được Đài PT-TH Kiên Giang truyền hình trực tiếp.
Những hình ảnh trước giờ phát sóng chương trình:
Ban tư vấn chương trình:
-TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
- PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM
- TS Trương Minh Nhật Quang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ
- PGS-TS Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
- PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ – Phó Trưởng khoa Chất lượng cao – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
- TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM
-TS Trần Văn Thạnh – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài chính- Marketing
- PGS-TS Bùi Xuân An, Khoa Khoa học Công nghệ, Trường ĐH Hoa Sen.
- ThS Tô Hoài Thắng, Phó GĐ Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
- ThS Huỳnh Hoa Hồng My, Chuyên viên ban tư vấn hướng nghiệp, Trường ĐH Hồng Bàng.
- TS Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương.
Khoảng 1.400 học sinh từ các trường: THPT Nguyễn Trung Trực, THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, THPT Nguyễn Hùng Sơn, THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, THPT Ngô Sĩ Liên, Trường I School... đã đến từ rất sớm để tham gia chương trình. Không khí vui tươi, hào hứng bao trùm hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang.
Khách mời chương trình gồm: Ông Trần Quang Bảo – Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, Ông Thạch Vũ Thành - đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ông Nguyễn Văn Tín - Phó tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
8 giờ 00: Chương trình bắt đầu.
Ông Nguyễn Văn Tín - Phó tổng Biên tập Báo Người Lao Động
Ông Nguyễn Văn Tín – Phó tổng Biên tập Báo Người Lao Động – cho biết chương trình rất hân hạnh khi nhận được sự tham gia, hỗ trợ nhiệt tình của Ban Giám đốc Sở GD-ĐT, Đài PT-TH tỉnh Kiên Giang, nhà tài trợ, các thầy cô trong ban tư vấn, chúc thí sinh thành công trong mùa thi.
8 giờ 10: Ông Thạch Vũ Thanh - đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền - cho biết đây là năm thứ 2 công ty tham gia tài trợ chương trình Đưa trường học đến thí sinh do Báo Người Lao Động tổ chức. Ông cho biết sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, công ty đã chú trọng, tài trợ nhiều chương trình giáo dục. Bên cạnh sản xuất kinh doanh, công ty rất quan tâm vấn đề phụng sự xã hội, tri ân khách hàng, và chương trình “Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức là một phần trong kế hoạch đó. Ông Vũ Thanh cho biết chương trình rất hữu ích cho các bạn trẻ mùa thi sắp tới, góp phần nhỏ hành trang thành công của các thí sinh. Ông gửi lời chúc thành công đến các em và chúc thầy cô dồi dào sức khỏe.
8 giờ 15: Ông Trần Quang Bảo- Phó GĐ Sở GD-ĐT Kiên Giang - cảm ơn các chuyên gia tuyển sinh đã đến tỉnh nhà để giúp các em học sinh có những kiến thức cần thiết trước kỳ thi có nhiều thay đổi quan trọng. Ông hy vọng chương trình cũng giúp cho các em kịp thời cập nhật những vấn đề mới trong tuyển sinh, tư vấn cho các em chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực của các em. Thầy Bảo cũng lưu ý, khi đã chọn được ngành học, các em nên xác định thi vào trường nào vừa sức để không tốn tiền gia đình. Nếu muốn có việc làm ngay, các em nên xem ngành nghề nào bộ đang giảm chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nào tăng để phù hợp với năng lực bản thân sau khi ra trường. Các em có thể tham khảo kênh thông tin của Sở nội vụ Kiên Giang để biết ngành nào đang cần, ngành nào thừa nhân sự để sau khi ra trường dễ dàng có việc làm ngay.
Ông Trần Quang Bảo – Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang
8 giờ 15: TS Nguyễn Đức Nghĩa từ ĐHQG TP HCM thông tin cho thí sinh Kiên Giang về những điểm mới trong kỳ thi năm 2015. Theo đó, chỉ còn 10 ngày nữa bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký, thí sinh Kiên Giang thi ở cụm thi số 37 do ĐH An Giang tổ chức.Nếu dự thi tại cụm thi tỉnh do sở GD-ĐT tổ chức sẽ do Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang chủ trì, địa điểm dự thi do sở bố trí. Bộ sẽ cho đề thi tham khảo mẫu, mà không công bố cấu trúc đề thi.
Điểm chung cần lưu ý trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015
- Tổ chức thi: Năm nay, thí sinh thi theo cụm: 1 cụm do các trường ĐH chủ trì: Các thí sinh vừa được xét tốt nghiệp THPT vừa dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ; một cụm thi do các sở chủ trì: thi tại sở, chỉ dùng kết quả này để xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả xét ĐH-CĐ. Tuy nhiên, các em thi ở cụm do sở chủ trì vẫn có thể dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ nếu trường đó sử dụng. Cả nước gần 40 cụm thi liên tỉnh.
- Đăng ký dự thi: Thí sinh lớp 12 đăng ký tại trường THPT – nơi các em đang học, từ ngày 1-4 đến hết 30-4, với 8 môn thi được tổ chức trong 4 ngày. Dự kiến ngày 25-7, thí sinh sẽ biết kết quả thi.
Tổ chức thi: Mỗi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ thi tối thiểu 4 môn: Văn, toán, ngoại ngữ và môn thi tự chọn trong số các môn vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lí. Ngày thi: Ngày 1 đến 4-7. Việc chọn số lượng môn thi có tính quyết định đến việc xét tuyển vào các ngành thuộc các trường ĐH, CĐ
- Đề thi chấm thi: Tương tự đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức 3 chung và THPT trước đây: Các môn toán, văn, sử, địa thi theo phương thức tự luận, 180 phút; lý,hóa sinh thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút… Riêng môn ngoại ngữ, dự kiến các thí sinh vừa thi trắc nghiệm vừa tự luận. Cũng theo dự kiến, ở môn địa lý, thí sinh được phép mang Atlat vào phòng nhưng riêng môn hóa học, các em không được mang bảng tuần hoàn hóa học; thang điểm 10, điểm thi không được làm tròn.
- Xét tuyển: Có nhiều thay đổi so dự thảo trước đây. Gần như tất cả các trường ĐH-CĐ trên cả nước đều dùng kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm thi liên tỉnh để xét tuyển, một số trường có xét tuyển thêm thí sinh thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức.
Đối thí sinh đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH, các em được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi (đóng dấu đỏ), trong đó có 1 phiếu riêng đăng ký xét tuyển NV1 và 3 phiếu cho NVBS. Giấy Chứng nhận kết quả NV1 được nộp trong 20 ngày, gồm: Giấy Chứng nhận kết quả thi dùng đăng ký NV1, phiếu đăng ký xét tuyển được chọn 4 nguyện vọng vào 4 ngành trong 1 trường, căn cứ vào tổ hợp đã thi. Chỉ thí sinh không trúng tuyển NV1 mới được phép sử dụng 3 giấy chứng nhận xét NVBS. Các em có thể nộp đồng thời 3 giấy chứng nhận xét NVBS vào các trường khác nhau.
TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - cho biết hiện có rất nhiều bạn trẻ ra trường phải học lại từ đầu để chọn nghề mới.Việc ra trường chọn lại là vô cùng lãng phí. Có đến 65% sinh viên chưa hiểu biết ngành các bạn chọn, 50,8% các bạn không biết học xong sẽ làm môi trường nào, 75% chưa có mức độ hài lòng cao về trường ĐH đang học, 35% đưa ra quyết định học tạm thời để năm sau thi lại, trên 60% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ phải được đào tạo lại, đào tạo bổ sung sau ra trường.
Để đi đúng hướng, các bạn cần chú ý vấn đề: Ngành, nghề và trường, tương ứng với 3 câu hỏi: Bạn có thể làm nghề gì, học ngành nào để học nghề đó, bạn chọn trường nào, bậc học nào (ĐH, CĐ, TCCN…) có đào tạo ngành đó. Nếu trả lời được những câu trả lời này, các thí sinh có thể dễ dàng chọn cho mình con đường nghề nghiệp đúng đắn.
HỎI - ĐÁP TRỰC TIẾP:
*Với kết qua của kỳ thi khi thi ở cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức có dùng đề xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ được không? Trường ĐH An Giang đã làm gì để đón tiếp những thí sinh dự thi tại cụm thi này? (HS Võ Phú Quý, Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt,)
-TS Trần Văn Thạnh – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang: Trường ĐH An Giang là cụm thi tổ chức cho thí sinh ở An giang và Kiên Giang. Trường cũng đã tổ chức chu đáo từ việc đón tiếp, chỗ nghỉ, chỗ ăn để các em không vướng bận, yên tâm làm bài cho thật tốt. Hiện nay, có 1 số trường ĐH, CĐ vẫn sử dụng kết quả thi tại cụm thi tỉnh để xét tuyển nhưng về mặt bằng chung, đa số các trường dùng kết quả kỳ thi tại cụm thi liên tỉnh để xét tuyển nên phải nên đến trường ĐH để thi.-TS Trần Văn Thạnh – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang.
*Em có dự định thi khoa Y- ĐH Quốc Gia TP HCM nhưng chỉ tiêu ngành này quá ít, nếu không trúng tuyển NV1 thì em sẽ xét tuyển NV2 vào ngành nào trong khi khoa y chỉ có một ngành y đa khoa? (Nguyễn Vạn Sinh)
-TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Đây là điều mà ĐHQG TP HCM cũng đang trăn trở,. Mỗi học sinh khi đăng ký NV1 sẽ có có 4 nguyện vọng nhỏ. Nhưng chỉ tiêu hàng năm của ngành khoa y- ĐHQG TP HCM chỉ có 100, về mặt chủ quan thì hàng năm chỉ tuyển đủ NV1 là đủ chỉ tiêu và NV1 hàng năm liên tục ở mức cao.
ĐHQG đang cân nhắc đối với các thí sinh không trúng tuyển vào ngành y đa khoa của khoa y thì sẽ chuyển các thí sinh không trúng tuyển vào các trường thành viên có tuyển khối B như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc tế... Còn khối thi truyền thống vào trường Khoa Y - ĐHQG TP HCM là toán, sinh hóa.
* Theo em được biết, việc phúc khảo điểm sẽ có kết quả chậm nhất từ 10 ngày từ khi nộp đơn phúc khảo. Như vậy, trong thời gian này, các bạn khác cũng nộp hồ sơ xét NV1, vậy việc phúc khảo ảnh hưởng đến kết quả không? (Tạ Văn Hoài Thanh, Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt)
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Trước hết, chúng ta phải tin tưởng việc chấm thi minh bạch, công bằng, chính xác. Nếu có sai sót cũng rất hiếm hoi, do 1 số nhầm lẫn trong quy trình nhập điểm…. TS làm đơn phúc khảo dự kiến tại Trường THPT đang học học hoặc sở GD-ĐT, sau đó các đơn vị này sẽ gửi đơn tới các cụm thi. Tại đây, các cụm thi sẽ nhanh chóng chấm thi cho các em. Kết quả phúc khảo phải được công bố muộn nhất giữa đợt xết tuyển đầu tiên để các em không thiệt thòi.
*ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM những năm trước lấy bao nhiêu chỉ tiêu, cơ hội nghề nghiệp như thế nào?
-PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM: Hằng năm, chỉ tiêu của trường là 4.000, 2.800 chỉ tiêu cho ĐH chính quy, 1.000 bậc học CĐ, còn lại liên thông. Năm 2014, ngành có điểm chuẩn thấp nhất là 14.5, thuộc khối điện tử, ngành cao nhất từ 16-17 điểm, thuộc khối hóa - sinh (công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm...). Cùng năm 2014, nguyện vọng 2 trường chỉ tuyển 400 chỉ tiêu nhưng cơ tới 21.000 hồ sơ, nên cơ hội NV2 cho các em rất thấp.
Triển vọng nghề nghiệp: TS trường ra trường đa số có công việc thuận lợi phục vụ các công nghệ chế biến, như chế biến thủy sả, thích hợp với Kiên Giang. Ngoài ra, ngành chế biến thực phẩm (sữa, bia…) được ưa chuộng, ngành công nghệ hóa học (polyme, gốm sứ, thủy tinh…)... nhu cầu xã hội khá cao. Theo thống kê, 80% sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm. Năm 2015, trường tuyển sinh có nhiều ngành mới như: Khoa học thực phẩm và dinh dưỡng, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực.
*Em thích ngành XHH trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, được cấp tới 4 phiếu. Nếu rớt nguyện vọng đầu tiên trong phiếu số 1, em có khả năng đậu vào những ngành mình không thích. Vậy lúc vào học em có thể chuyển ngành được không? (Trần Thị Thúy Diễm, lớp 12 sinh, Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt)
-TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Đây là câu hỏi rất quan trọng do liên quan kỹ thuật tuyển sinh, nếu không hiểu các em sẽ phải vào những ngành, nghề mình không mong muốn, để lại nhiều hệ lụy. Theo quy chế, hồ sơ xét tuyển ĐH đợt 1 gồm 2 phần: Giấy chứng nhận kết quả thi (đóng dấu đỏ) và phiếu đăng ký xét tuyển NV1, trong phiếu này có 4 nguyện vọng nhỏ. Dựa vào những nguyện vọng này, các trường ĐH sẽ xét tuyển đồng loạt và bình đẳng các nguyện vọng, nên nếu đăng ký xã hội học nhưng rớt, và đậu vào ngành khác trong trường, thì em phải chấp nhận. Nếu không muốn vào các ngành khác, em có thể điền 1 nguyện vọng trên phiếu số 1.
Việc chuyển ngành sau khi nhập học, tùy quy định mỗi trường.
*Ngành kế toán của Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương xét tuyển theo quy chế nào? Cơ hội việc làm ra sao? Bạn em đã tốt nghiệp từ năm 2014, vậy năm nay nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương được không? (Ngô Bình Vương 12 BB4 Nguyễn Trung Trực)
- TS Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương: Ngành kế toán của trường năm 2015, cũng như các ngành khác, xét tuyển theo 2 phương thức: dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, theo ngưỡng điểm Bộ GD-ĐT công bố hoặc theo năng lực học tập THPT (học bạ, nộp bây giờ hoặc bổ sung sau). Đối xét học bạ, nếu điểm bình quân 6.0 trở lên, thí sinh đậu vào hệ ĐH, nếu điểm trung bình 5,5 trở lên, các em đậu CĐ chính quy.
Về ngành kế toán, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đều có nhu cầu về công tác kế toán, nhưng cơ hội nghề nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào kiến thức, kỹ năng và niềm đam mê của các em.
Về việc bạn em tốt nghiệp THPT năm 2014, thí sinh này nếu đậu tốt nghiệp, em có thể nộp thẳng học bạ vào những trường có xét tuyển theo học bạ như Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương. Đối với những trường không xét tuyển theo học bạ, các em phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015.
*Em đang học ở Kiên Giang nhưng hộ khẩu gia đình đang ở Bình Thuận, việc này có ảnh hưởng gì đến kỳ thi THPT Quốc gia 2015 và xét tuyển vào ĐH?
-TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Hiện chỉ có một số ít trường ĐH xét tuyển theo địa bàn, (như ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), còn lại đa số các trường ĐH, CĐ tuyển sinh cả nước. Đối với các trường xét tuyển theo hộ khẩu, thí sinh xem trực tiếp trên website các trường.
-TS Trần Văn Thạnh – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang: Trường ĐH An Giang chỉ tuyển sinh thí sinh có hộ khẩu ở ĐBSCL.
* Em muốn thi vào khối ngành công an, vậy em phải đăng ký như thế nào? Nếu sau khi xét tuyển vào ĐH, em rớt thì có được tiếp tục xét tuyển vào hệ cao đẳng của ngành này không? ĐH An Giang có đào tạo ngành này không?
- TS Trần Văn Thạnh – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang: Nếu thi vào khối ngành công an, quân đội, các em phải nộp hồ sơ sơ tuyển trước và dự thi tại cụm thi do ĐH An Giang chủ trì. Sau khi có điểm thi, các em phải cân nhắc xem với điểm số đó, mình có khả năng vào ngành công an không? Nếu không, em có quyền chọn trường khác, ngành khác chứ không nhất thiết phải vào ĐH, CĐ công an. ĐH An Giang không đào tạo ngành công an em nhé!
TS Nguyễn Đức Nghĩa bố sung: Các em lưu ý, các trường thuộc khối công an, quân đội có hệ thống sơ tuyển, xét tuyển riêng. Hiện các trường này đã phát hồ sơ sơ tuyển, các em có thể mua tại công an, BCH quân sự huyện, tình, TP... Sau khi vượt qua vòng sơ tuyển, các em sẽ được thông báo và chỉ những em nào đủ điều kiện trên mới được phép nộp phiếu xét tuyển vào khối công an, quân đội, quốc phòng.
* Em xin hỏi các nhóm ngành năng khiếu sẽ thi vào thời gian nào? (Nguyễn Lê Anh Hữu)
- PGS-TS Bùi Xuân An, Khoa Khoa học Công nghệ, Trường ĐH Hoa Sen: Mỗi trường có những cách xét tuyển khác nhau, có trường xét 3 năm kết quả THPT, có trường sẽ kết hợp phỏng vấn đối với HS từ các trường chuyên. Đối các môn năng khiếu: Tùy từng ngành mà trường đưa ra những tổ hợp xét tuyển khác nhau. Em nên vào các trang website các trường ĐH để tìm hiểu
*Phương thức tuyển sinh vào ngành dược và điều dưỡng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành? (Như Ý, Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt)
- ThS Tô Hoài Thắng, Phó GĐ Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Trường có hai phương thức tuyển sinh: Thứ nhất, dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét vào khối ngành điều dưỡng; thứ hai, dùng kết quả từ học bạ, lớp với điều kiện điểm trung bình từ 6.0 vào ĐH, từ 5.5 đến 5.9 vào CĐ.
*Trường ĐH An Giang có ưu tiên gì cho học sinh khó khăn? Ấp Hà Lợi thuộc khu vực ưu tiên nào? (HS Nguyễn Hoàng Tú)
-TS Trần Văn Thạnh – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang: Về ngành sư phạm nói chung, các em không phải đóng học phí, còn về việc ưu tiên tuyển sinh cụ thể cần phải xem điều cần thiết trong cuốn Những điều cần biết.
*Ngành thể dục thể thao của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có chuyên ngành đào tạo thể dục thể thao không?
- - ThS Huỳnh Hoa Hồng My, Chuyên viên ban tư vấn hướng nghiệp, Trường ĐH Hồng Bàng: Trường tuyển sinh khối ngành thể dục thể theo theo khối T, với các môn thi: Sinh, toán, thể dục thể thao. Các đợt thi năng khiếu sẽ được tổ chức vào các ngày 25-8, 25-9, 25-10. Đồng thời trường cũng chấp nhận xét tuyển kết quả thi năng khiếu của thí sinh đã thi ở các trường khác.
* Học kỳ I năm lớp 10 của em chỉ được 5.9, vậy có đủ điều kiện xét tuyển vào Trường ĐH Tài chính- Marketing không? (HS Tôn Thất Quang, Trường THPT Nguyễn Hùng Sơn)
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài chính- Marketing: Trường xét học bạ 6 học kỳ trong 3 năm cấp 3, tất cả học kỳ phải trên 6.0 và hạnh kiểm trong 3 năm phải khá trở lên, chỉ cần 1 học kỳ dưới 6.0 thì không xét.
* Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có xét tuyển thẳng HS trường không?(HS Nguyễn Ngọc Diệu Anh, Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt)
- PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ – Phó Trưởng khoa Chất lượng cao – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: HS chuyên là đối tượng tuyển thẳng của trường nhưng trường chỉ dành 20% chỉ tiêu cho các đối tượng này. Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Anh, thí sinh có điểm IELTS 6.0 trở lên thì được xét tuyển thẳng.
Trường cũng có nhiều học bổng cho học sinh, nhất là học sinh nữ học ngành cơ khí. Về cơ bản học sinh trường chuyên vẫn phải dự thi kỳ thi kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trường có 400 chỉ tiêu để học về ngành sư phạm kỹ thuật, những ngành này được hoàn toàn miện học phí. Tốt nghiệp sinh viên có 2 văn bằng: Văn bằng kỹ sư và chứng chỉ sư phạm.
* Em đam mê ngành marketing nhưng theo em được biết, ngành này hiện nay đang thừa nhân lực. Vậy loại hình marketing nào ở Trường ĐH Tài chính - Marketing ra trường dễ kiếm việc làm? (Vương Thị Cẩm quyên 12 A4 Trường THPT Nguyễn Trung Trực)
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài chính- Marketing: ĐH Tài chính - Marketing năm nay tuyển sinh dựa trên 2 tiêu chi: Một là, học bạ 3 năm THPT phải trên 6.0, hạnh kiểm 3 năm loại khá trở lên, hai là điểm tổ hợp 3 môn từ ngưỡng điểm sàn do Bộ quy định. Đáp ứng 2 tiêu chí này, các em có thể nộp hồ sơ xét tuyển tại trường. Năm 2014, điểm chuẩn cho toàn bộ các ngành trong trường là 19 điểm 3 môn.
ĐH Tài Chính Marketing có 11 ngành, 26 chuyên ngành, và ngành marketing là mũi nhọn, trong đó có 3 chuyên ngành. Những năm gần đây, đa số thí sinh chọn ngành marketing tổng hợp, cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quát về thị trường, sản phẩm, giá... Người làm marketing là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và người tiêu dùng. Đo đó, công tác marketing đang và sẽ trở thành kênh thông tin rất quan trọng không chỉ cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Cơ hội việc làm của ngành này cũng rất rộng mở. Hiện các doanh nghiệp vừa và lớn có thành lập các phòng marketing, người đứng đầu giữ chức giám đốc marketing, thu nhập bằng hoặc cao hơn giám đốc điều hành.
* Nếu em thi đậu ngành điện, điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, sau này em muốn học thêm ngành CNTT có được không?
- PGS-TS Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Đối với ngành điện, điện tử và các ngành khác, trường đều xét theo các khối A, A1 và D1 truyền thống. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, nếu em đậu 1 ngành ĐH, có thể học ngành khác theo hệ văn bằng 2 với điều kiện có điểm trung bình môn và số môn nợ trong giới hạn quy định.
*Các trường bỏ điểm sàn là cơ hội hay thách thức đối với các thí sinh, có thay thế bằng hình thức nào không?
TS Trần Đình Lý: Điểm sàn rất cần thiết vì là ngưỡng để các em đủ điều kiện vào học từng bậc học. Điểm sàn chỉ được công bố khi có đủ dữ liệu điểm của tất cả các trường.
Chương trình kết thúc phát sóng trực tiếp trên Đài PT-TH tỉnh Kiên Giang lúc 9 giờ 30, tuy nhiên ban tư vấn vẫn nán lại để tư vấn riêng cho rất nhiều thí sinh. Dưới đây là những hình ảnh của chương trình sau giờ phát sóng:
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)