xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010: Đỗ cao do đâu?

Theo Tuệ Nguyễn (Thanh Niên)

Dù chưa có con số thống kê tỷ lệ tốt nghiệp THPT của toàn quốc, nhưng nhìn vào kết quả tốt nghiệp mà các địa phương lần lượt công bố, có thể nhận thấy năm nay tỷ lệ tốt nghiệp sẽ rất cao so với các năm trước.

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) bày tỏ: “Kết quả thật tuyệt, tôi đã nhìn thấy rõ điều đó ngay sau khi kết thúc kỳ thi và tôi rất lo lắng với cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay”.
 
Điều đáng buồn, theo PGS Cương: “Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ nhìn vào các con số để nói rằng, kỳ thi an toàn, nghiêm túc, việc dạy và học tốt hơn... nhưng tôi xin thưa rằng: nếu tôi muốn có một kết quả tốt nghiệp THPT hơn 90% thì không cần căn cứ vào chất lượng của học sinh mà ngay từ khi kỳ thi chưa tổ chức, tôi đã có thể “thiết kế” được kết quả đó bằng cách: đề thi dễ, coi thi dễ và chấm thi dễ”.
img
Tỷlệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT qua các năm - Đồ họa: Phúc Hải
 
Kết thúc kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT phấn khởi cho rằng, đây là một kỳ thi nghiêm túc, tốt đẹp nhất trong những năm gần đây. Bằng chứng là số thí sinh vi phạm quy chế giảm chỉ còn chưa tới 1/3 so với năm trước, toàn quốc cũng chỉ có 1 giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do sơ ý làm rách bài thi của thí sinh - một con số thấp kỷ lục từ trước đến nay.
 
Tuy nhiên, “đó là sự bình yên đáng lo hơn là đáng mừng” - PGS Cương nhận định, và cho biết: “Vi phạm giảm, mà giảm tới một mức xuống dốc không phanh ấy thì phải đặt câu hỏi: phải chăng có hiện tượng coi thi lơi lỏng, thấy vi phạm mà không xử lý chứ không phải không có vi phạm để xử lý”.
 
Đỗ cao do buông lỏng kỷ luật?
 
Theo PGS Cương, trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT quyết định giảm tới... 15 lần số thanh tra ủy quyền của bộ so với năm trước, không còn thanh tra của Bộ cắm chốt tại các hội đồng thi, lực lượng thanh tra từ 9.000 người của năm 2009 giảm xuống chỉ còn 600 người. Lý do Bộ đưa ra là công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT đã đi vào nền nếp, kỷ cương 3 năm rồi, không cần thanh tra Bộ cắm chốt nữa.
 
img
 “Phao” thi vương vãi khắp nơi tại HĐT trường THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sau giờ thi - Ảnh: Đ.Phú

Trên thực tế, trong suốt 3 ngày thi diễn ra, ở rất nhiều hội đồng coi thi mà PV Thanh Niên có mặt, đã thấy có dấu hiệu kỷ luật phòng thi bị buông lỏng, xem nhẹ, những biểu hiện tiêu cực như học sinh chép bài nhau, sử dụng tài liệu... không hề ít, cũng không khó để phát hiện, kể cả những hội đồng coi thi mà Thứ trưởng, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT đến kiểm tra (Thanh Niên đã phản ánh trong các số báo sau mỗi buổi thi tốt nghiệp).
 
Và... đề thi dễ, đáp án “lỏng”
 
Đề thi tốt nghiệp ở hầu hết các môn năm nay dễ đến... giật mình. “Đề thi như vậy là để học sinh có học lực trung bình yếu cũng dễ dàng đậu tốt nghiệp chứ không thể phân hóa được học sinh”, bà Bạch Yến, giáo viên dạy Văn trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) nhận định.
 
Cũng chung ý kiến trên, PGS Văn Như Cương tỏ ra rất bức xúc về một số câu hỏi dễ đến mức... ngớ ngẩn của đề thi môn Toán. Ông nói: “Đề thi không có câu hỏi nào khó đã đành, còn có câu dễ ngoài sức tưởng tượng. Đó là câu hỏi về số phức, mà có thể diễn giải nôm na như sau: Nhà ông A có 3 con lợn và 5 con bò, nhà ông B có 2 con lợn và 4 con bò. Hỏi nếu gộp cả hai nhà lại thì có bao nhiêu con lợn và bao nhiêu con bò?. Học sinh lớp 1 cũng làm được, vì chỉ cần biết tính cộng”.
 
Còn một giáo viên chủ nhiệm của trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) thì cho hay: “Hầu hết học sinh của lớp tôi đều thi khối D, môn Hóa là môn thi mà các em sợ nhất. Thế mà ngay sau khi thi xong, nhiều em đã gọi điện kêu lên với tôi: lần đầu tiên em làm hết bài Hóa dễ dàng đến thế”.
 
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, không ít thí sinh học ban Khoa học tự nhiên chỉ làm bài thi môn Hóa trong vòng vỏn vẹn có 10 phút. Đáp án và hướng dẫn chấm thi năm nay cũng được đánh giá là dễ đến không ngờ.
 
Một giám khảo chấm Văn nói: “Ba-rem điểm chi tiết đến 0,25, tưởng như rất chặt chẽ nhưng hướng dẫn chấm lại “lỏng”. Ví dụ, để đạt được mức 0,25 điểm thì theo đáp án phải nêu được 3 ý, thế nhưng theo hướng dẫn chấm thì chỉ cần nêu được 1, 2 ý là đã phải cho điểm, mà mức điểm 0,25 là thấp nhất rồi nên dù thí sinh làm được 1 ý hay 3 ý thì đều có điểm bằng nhau”.

Con số gợi suy nghĩ

Ngày 15-6, khi một vài tỉnh thành đầu tiên chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã gửi cho tòa soạn báo điện tử Vietnamnet một bài viết về những con số sau 4 năm đổi mới giáo dục.
 
Chúng tôi xin trích dẫn ra đây phần số liệu của bậc giáo dục phổ thông, đặc biệt về tỷ lệ tốt nghiệp mà bài báo đã nêu.
“Cuộc vận động “Hai không” là khâu đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông và mầm non giai đoạn 2006-2010. Qua 4 năm triển khai, trật tự kỷ cương trong thi cử đã tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT: Số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2.612, thì năm 2008 chỉ còn 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90, giảm gần 97% so với năm 2007; Số giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do vi phạm năm 2007 là 32, năm 2008 là 15, năm 2009 là 3 và năm 2010 là 1, giảm gần 97% so với năm 2007 (trong hơn 120.000 cán bộ coi thi chỉ có 1 người bị đình chỉ).
 
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng trong bối cảnh các cuộc thi được triển khai ngày càng nghiêm túc hơn: năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông (lần 1) chỉ đạt 66,7%, có nhiều địa phương đạt dưới 50% (năm 2006 đạt 94%,); năm 2008 (lần 1) tỷ lệ tốt nghiệp là 76% (tăng hơn 9% so với năm 2007); năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83,8% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7,8% so với năm 2008. Với kết quả thi đã được qua 3 năm 2007, 2008, 2009, như vậy, có thể dự báo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ đạt khoảng 90%”.
 
Như vậy, chưa đợi số liệu tổng hợp từ các địa phương, Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn thấy được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ cao hơn các năm trước. Vì sao như vậy? Chắc không cần câu trả lời từ phía Bộ vì những gì trước đó diễn ra đã có thể là một sự trả lời: Đề thi quá dễ, đáp án càng dễ hơn (Thanh Niên số ra ngày 15.6), kỷ luật phòng thi còn lỏng lẻo,“phao” thi tràn ngập các phòng thi (các bài phản ánh trên Báo Thanh Niên ra ngày 3, 4, 5-6).
 
Phải chăng Bộ GD-ĐT “tháo khoán” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay? Nếu đây là sự thật thì ý nghĩa của kỳ thi này có còn không? Và một lộ trình “kỳ thi 2 trong 1” (kết hợp thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH) bao giờ sẽ được thực hiện? Như thế sẽ còn lâu mới giảm tải kỳ thi tuyển sinh ĐH và chắc không trường ĐH nào dám đủ can đảm thực hiện ý tưởng lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH.

Thùy Ngân
 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo