xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng vào “tàu phá băng”

Yến Anh

Nhiều nhà khoa học kỳ vọng Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán sẽ phá vỡ những cản trở về cơ chế để rút ngắn khoảng cách tụt hậu của khoa học cơ bản Việt Nam so với thế giới

Hơn 5 tháng sau khi chính thức nhận chức giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán (NCCCVT), chiều 19-8, GS Ngô Bảo Châu cùng các thành viên Hội đồng Khoa học của viện đã có buổi trao đổi thẳng thắn với báo chí về những vấn đề “nóng” của toán học Việt Nam.

Hệ quả của việc “chặt chân”

Kết quả thấp chưa từng thấy của đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic Toán học quốc tế 2011 thời gian qua đã dấy lên mối lo ngại của nhiều nhà toán học, nhà quản lý về sự đi xuống của toán học Việt Nam. Lý giải về tình trạng biến mất của đỉnh cao toán học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng đó chính là hệ quả của phong trào trường chuyên lớp chọn. Chân của phong trào là cấp I và cấp II nhưng chúng ta đã bỏ chân đó khiến đỉnh sụp đổ.
Một nguyên nhân khác cũng được GS Ngô Bảo Châu nêu lên là tâm lý thực dụng quá mức của xã hội đối với toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung. Bên cạnh đó phải kể đến thù lao của các giáo viên quá thấp nên họ cũng sao nhãng việc giảng dạy. Các thành viên Hội đồng Khoa học Viện NCCCVT đã nhìn thấy từ vài năm trước và chính vì lý do đó, giới khoa học đã khẩn thiết đề đạt với Chính phủ và soạn thảo chương trình toán học trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên giải quyết vấn đề này, theo GS Ngô Bảo Châu, cần phải có thời gian hợp lý.
img

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong một lần giao lưu với sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: TTXVN

Nhiều thành viên Hội đồng Khoa học của Viện NCCCVT cũng chia sẻ mối lo lắng này với nhiều quan điểm khác nhau. GS-TS Dương Minh Đức, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng nếu chỉ xem xét từ những thành viên đã đoạt giải quốc tế toán học nhưng không theo đuổi ngành toán mà kết luận rằng ngành toán đang đi xuống thì chưa chính xác. Là người thường xuyên tiếp xúc với sinh viên các lớp cử nhân tài năng toán của trường, GS Dương Minh Đức cho rằng số người đam mê, tâm huyết với ngành toán rất nhiều.
Vấn đề ở đây là các thầy ngày càng nghiêng về luyện thi với các mẹo để đoạt giải Olympic quốc tế chứ chưa chú trọng đến việc khơi gợi, nuôi dưỡng đam mê cho các em. Đây là sai lầm lớn. Theo GS Dương Minh Đức, việc thành lập Viện NCCCVT sẽ là điểm để các nhà toán học của nước ta dù làm việc ở đâu cũng có nơi để trao đổi, kết nối, qua đó có thể thành lập những nhóm nghiên cứu thay vì những hoạt động rời rạc như lâu nay của các nhà toán học.

Mối lo tụt hậu

GS Đàm Thanh Sơn, Viện Lý thuyết hạt nhân ĐH Washington, cho rằng khoảng cách giữa khoa học cơ bản Việt Nam và các nước ngày càng tăng, hay nói cách khác, chúng ta ngày càng tụt hậu. Ngay trong khu vực châu Á, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore đang có những nỗ lực phi thường để phát triển khoa học cơ bản. Họ không chỉ thu hút tài năng trong nước mà còn cả của nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Nếu Việt Nam không nỗ lực thì vị trí xếp hạng sẽ ngày càng thấp. GS Đàm Thanh Sơn kỳ vọng Viện NCCCVT như “tàu phá băng” phá vỡ những cản trở về cơ chế cho các ngành khác đi theo.

Với sự ra đời của Viện NCCCVT, lần đầu tiên Việt Nam có cơ quan khoa học đủ tiêu chuẩn thế giới, được hoạt động theo các phương thức của thế giới, đặt vấn đề tài năng lên cao nhất chứ không phải các vấn đề khác. GS Vũ Hà Văn, Trường ĐH Yale (Mỹ), cũng cho rằng thành công của viện sẽ quyết định việc tiến lên của khoa học cơ bản Việt Nam dù ông vẫn còn băn khoăn liệu cơ chế đặc thù có giúp được việc quy tụ con người hay không.

Chia sẻ về những bước đi đầu tiên của Viện  NCCCVT, GS Ngô Bảo Châu cho biết tuy còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động của viện trong dịp hè vừa qua rất thực chất và có dấu ấn trong tương lai. Ông cho biết mình và các nhà khoa học khác đang cố gắng hết sức làm việc để cuốn hút các anh em trẻ nghiên cứu toán học trên thế giới. Việc triển khai nhóm nghiên cứu là bước đầu tiên giữ chân, khuyến khích họ về với đất nước. Để làm được như vậy, hằng năm viện phải có 2-3 chương trình trọng điểm, cần kinh phí lớn. “Ở thời điểm này, tôi cảm thấy được sự ủng hộ từ trái tim anh em, đồng nghiệp trong làm toán cũng như Bộ GD-ĐT và Chính phủ” - GS Ngô Bảo Châu nói.

Những hoạt động đầu tiên của Viện NCCCVT

Ngày 1-6-2011, GS Lê Tuấn Hoa được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của Viện NCCCVT. Mới đây, ngày 16-8, bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng khoa học của Viện NCCCVT nhiệm kỳ 2011-2014, gồm 14 giáo sư, trong đó phần nhiều đang hoạt động trong nước, còn lại đang hoạt động tại nước ngoài. Viện cũng đã được Chính phủ cấp kinh phí hoạt động năm 2011 là 4,4 tỉ đồng.

Từ ngày 23-6 đến 18-8, Viện NCCCVT bắt đầu hoạt động khoa học dưới hình thức sinh hoạt hội thảo hè do GS Ngô Bảo Châu chủ trì về “Chương trình Langlands”. Ngày 12-7 đến 18-8, GS Vũ Hà Văn chủ trì hội thảo về “Phương pháp xác suất trong toán học hiện đại”. Nhiều nhà toán học tại Hà Nội và hơn 10 nhà toán học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài cũng đã về tham dự và thuyết trình (tự túc vé máy bay).

Sắp tới, ngày 23-8, GS Nguyễn Hữu Dư (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) chủ trì hội thảo về “Xử lý tín hiệu”. Nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Hữu Dư có sự hỗ trợ của một số nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Ngày 16 và 17-1-2012, Viện NCCCVT sẽ làm việc với ban tư vấn quốc tế của viện. Đây là dịp để Viện NCCCVT ra mắt với cộng đồng khoa học quốc tế.
H.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo