Cứ vào năm học mới là xảy ra tình trạng lạm thu. Tiền máy lạnh, máy chiếu, ghế ngồi, quạt điện, rèm cửa, cơ sở vật chất, quỹ trường, quỹ hội... đến hẹn lại lên như một gánh nặng đè lên vai phụ huynh.
Thu từ giấy nhãn, bìa bao sách
Mới đây, một số phụ huynh Trường THCS A.X (quận 11, TP HCM) phản ánh trong thời gian từ giữa tháng 7 đến tháng 8, trường tổ chức bán sách giáo khoa (SGK) và đồng phục cho học sinh (HS). Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường lợi dụng việc này bán kèm bìa bao SGK và giấy nhãn.
Cụ thể, một bộ giấy bao sách gồm 10 cái và giấy nhãn, nhà trường thu 57.000 đồng. Khi phụ huynh thắc mắc thì nhân viên bán sách giải thích đây là quy định của nhà trường. Một phụ huynh bất bình nói số tiền 57.000 đồng cũng không phải quá lớn nhưng bị lạm thu quá đáng.
Một số trường áp dụng các khoản thu đầu năm học không đúng quy định bị phụ huynh phản ứng
Chị H., có con học lớp 2, cho biết vừa rồi chi hội phụ huynh của lớp có thông báo nhà trường dự tính sử dụng máy chiếu để giảng dạy trong năm học mới. Kinh phí mua máy là 90 triệu đồng, trong đó nhà trường chịu 40%, còn lại phụ huynh đóng góp. "Phụ huynh mỗi người mỗi ý kiến khác nhau nên đến giờ vẫn chưa quyết định có mua hay không. Nếu mua, khoản tiền này kèm với những khoản đóng góp đầu năm học cũng là một gánh nặng không nhỏ với nhiều gia đình" - chị H. nói.
Chi phí tiền trường còn nặng nề hơn với những HS có con học đầu cấp. Một phụ huynh có con học lớp 1 ở trường theo mô hình tiên tiến phản ánh vào đầu năm học, nhà trường thông báo học phí đợt 1 của chương trình tiếng Anh kèm SGK tổng cộng là hơn 12 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản thu đầu năm của trường, của lớp và tiền SGK theo chương trình phổ thông mới.
Tiền trường, quỹ hội, hiểu sao cho đúng?
Từ những khoản thu, đóng góp đầu năm học, câu hỏi đặt ra là nên hiểu thế nào cho đúng về tiền trường, quỹ hội? Nó có phải lạm thu hay không?...
Vừa qua, Trường THCS Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP HCM) thu 40.000 đồng/HS để mua ghế ngồi cho các em, sau đó bị phản ứng nên phải trả lại cho phụ huynh. Giáo viên một trường THCS tại quận 1 nói rằng thu 40.000 đồng mua ghế ngồi cho HS, sau đó ban giám hiệu phải làm giải trình, kiểm điểm, bị thanh tra nhiều lần thì quả là chua xót. "40.000 đồng /HS cho cả 4 năm học, tính ra mỗi em chỉ đóng có 10.000 đồng/năm. Một năm các em có biết bao hoạt động phải tổ chức dưới sân, không lẽ để các em ngồi bệt? Xét về lý thì nhà trường đã sai khi đứng ra thu, thay vì việc đó là của hội phụ huynh nhưng về tình, sao phụ huynh nỡ khắt khe với ngôi trường đang và sẽ chăm sóc, giáo dục con mình" - vị giáo viên trải lòng.
Còn theo một chuyên gia giáo dục, cần phải rạch ròi cái nào đúng, cái nào sai, cái nào cần thiết, cái nào không. Phụ huynh có quyền yêu cầu nhà trường công khai, minh bạch. Câu chuyện về lạm thu sẽ mãi không có hồi kết nếu khái niệm về lạm thu không được hiểu đúng mực.
Trong khi đó, giám đốc một trung tâm giáo dục thường xuyên lập luận nếu không có đóng góp tự nguyện của phụ huynh, sân trường chỉ một màu trắng của bê-tông, không có nơi vui chơi cho HS.
Một thầy giáo của trung tâm này cho biết ngày trường vận động phụ huynh đóng góp để gắn camera trong trường, một vài phụ huynh phản đối nhưng nhà trường vẫn kiên quyết làm. Lý do là HS ở trung tâm là những em không đậu vào lớp 10 công lập, không được chọn lọc từ đầu vào, nhiều em rất thiếu ý thức tuân thủ kỷ luật. Giám thị của trường nhiều lần phát hiện có những em giấu thuốc lá đến trường. Nếu không có camera quan sát ở những góc khuất, làm sao quản lý được hết.
"Nhưng dư luận làm chúng tôi tổn thương. Cứ nghe đến đóng góp, chưa cần biết đó là khoản gì, mục đích thế nào, phục vụ cho ai là lập tức phản đối, cho rằng đó là lạm thu rồi đi tố cáo" - thầy B trăn trở.
Những khoản nào được phép thu và không được phép thu?
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường được phép thu các khoản sau đây: học phí, tiền dạy thêm trong quy định, thu hộ BHYT. Ngoài ra, nhà trường được thu những khoản tiền sau nếu có sự thỏa thuận với phụ huynh: tiền ăn bán trú; chăm sóc bán trú; trang thiết bị phục vụ bán trú; tiền mua học phẩm với trẻ mầm non; tiền vệ sinh, nước uống; đồng phục...
Đối với ban đại diện cha mẹ HS, những khoản được thu và không được thu quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, chỉ được thu những khoản để phục vụ cho hoạt động của ban, ngược lại không được thu các khoản sau: đóng góp bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; giữ xe; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ngoài ra, không được thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi cho việc quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học.
Bình luận (0)