Ngày 17-8, ngay sau khi việc chọn ban của học sinh (HS) lớp 10 kết thúc, Trường THPT Trưng Vương (Q.5) tổ chức thi tuyển vào lớp 10 “chất lượng cao”.
Biết sai nhưng vẫn làm
Tham gia thi tuyển vào lớp 10 “chất lượng cao” tại Trường THPT Hùng Vương năm học 2006-2007 có hơn 350 HS hệ công lập. HS phải thi 3 môn theo khối thi vào ĐH mà HS chọn: khối A: toán, lý, hóa; khối D: toán, văn, tiếng Anh. Ông Nguyễn Tấn Lộc, hiệu trưởng nhà trường, cho biết kết quả của kỳ thi này trường tuyển được 135 HS vào 3 lớp 10 “chất lượng cao”, gồm 2 lớp khối A và 1 lớp khối D.
Không chỉ năm nay mà từ những năm học trước Trường THPT Hùng Vương cũng đã tổ chức lớp 10 “chất lượng cao”. Riêng năm học 2006-2007, trường có tất cả 7 lớp “chất lượng cao” ở 3 khối 10, 11, 12.
Tại TPHCM, trong những năm gần đây “phong trào” mở lớp chọn rộ lên ở nhiều trường THPT và cả THCS.
Vì sao biết làm sai quy định của ngành giáo dục nhưng các trường vẫn mở lớp chọn? Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương giải thích vì “chiều theo nguyện vọng của phụ huynh”. Ông còn tuyên bố “các lớp chất lượng cao là bộ mặt của trường (?!). Tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, những học sinh đoạt giải đều nằm ở những lớp này...”.
Đóng tiền nhiều hơn
Phải chăng “vì chiều theo nguyện vọng phụ huynh” mà các trường mở lớp chọn bất chấp quy định nghiêm cấm dẹp bỏ loại hình này trong trường phổ thông của Bộ GD-ĐT? Qua tìm hiểu, cho thấy việc tổ chức các lớp chọn, lớp chất lượng cao đã mang về cho nhà trường những khoản thu lớn.
Để tổ chức cho HS thi vào lớp chọn, ngay từ tháng 7-2006 Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) đã tổ chức dạy hè cho HS lớp 9 lên 10 và thông báo với phụ huynh là “học ôn thi lớp chọn” với thời gian 2 tuần, học phí 300.000 đồng/HS. Tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, HS cũng được ôn tập 4 tuần để thi vào lớp 10 chọn với học phí 160.000 đồng/HS.
Không phải chỉ đóng tiền để thi vào lớp chọn, HS của những lớp này vào năm học còn phải đóng tiền “tăng tiết” cao hơn những HS khác. Tại Trường THPT Hùng Vương, HS lớp chất lượng cao được tăng tiết với thời lượng mỗi môn 4 tiết/tuần, HS học 3 môn thì mỗi tuần phải học tăng 12 tiết, như vậy mỗi tháng những HS lớp chọn phải đóng thêm 100.000 đồng so với những HS khác.
Trách nhiệm nhà quản lý ở đâu? Năm học 2006-2007 là năm thứ 7 cả nước thực hiện bỏ mô hình lớp chọn trong các trường phổ thông. Nhiều địa phương trong cả nước đã nghiêm chỉnh chấp hành tốt quy định này. Tuy nhiên, tại TPHCM đang có xu hướng làm sống lại các lớp chọn trong nhiều trường phổ thông. Ngoài nguồn thu là “động lực” chính như đã nói ở phần trên, cần phải nhìn thẳng thực trạng bệnh thành tích còn quá nặng. Điều khiến xã hội lo lắng là trong khi toàn ngành đang phát động nói không với bệnh thành tích thì ở các trường việc mở lớp chọn vẫn rầm rộ và ngang nhiên trước quy định của ngành. Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Trách nhiệm nhà quản lý ở đâu? T.N.T |
Bình luận (0)