Phóng viên: Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), yêu cầu dạy học khi thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) sẽ phức tạp hơn hiện nay nhưng đồng thời cho biết giáo viên (GV) chỉ cần được tập huấn kỹ là đáp ứng được. Quan điểm của ông thế nào?
- PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Giáo dục có quán tính lớn, rất lớn. Đổi mới giáo dục phổ thông kỳ này thì đổi mới GV là rất quan trọng, có tính chất quyết định trong khi đội ngũ GV được đào tạo trước đây không thể ở ngoài công cuộc đổi mới.
Đến năm 2018, họ vẫn chiếm giữ 100% số GV đứng lớp và chỉ được thay thế khoảng 4% mỗi năm. Vì thế, “làm mới” đội ngũ này là yêu cầu, theo cá nhân tôi, có tính chất sống còn và chúng ta phải làm mới đội ngũ cũ.
Vấn đề là phải xây dựng một chương trình bồi dưỡng để có thể bắt tay ngay vào việc bồi dưỡng cả triệu GV hiện nay, trong đó chú trọng xây dựng chương trình học, kiến thức mới trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý học lứa tuổi và cả phương pháp, kỹ thuật dạy học. Tôi cho rằng thời gian 3 năm là đủ để làm công việc này.
Kiến thức trong chương trình hiện hành được đánh giá là không phù hợp, quá tải. Theo ông, mức độ và lượng kiến thức chương trình mới cần được xây dựng ra sao?
- Kiến thức được giảng dạy ở trường phổ thông hiện được coi là nặng - tôi đồng ý với ý kiến này. Nhưng nói công bằng thì còn ở góc cạnh khác: Chúng ta đang nặng về trang bị kiến thức, ít chú trọng đến hình thành kỹ năng và năng lực giải quyết vấn đề trên nền kiến thức đang được giảng dạy ở nhà trường. Vì vậy, đổi mới giáo dục phổ thông lần này, phải hướng đến hình thành năng lực cho học sinh, chú trọng đến các cá nhân học sinh trong quá trình giáo dục. Đừng mong có một nhóm người được đào tạo ra có năng lực tương tự mà không chú ý đến cá nhân từng học sinh. Dạy học cá thể hóa hướng tới mọi học sinh được học và học được. Muốn vậy, chúng ta sẽ chỉ có chương trình khung thống nhất trong toàn quốc nhưng bài học cụ thể được xây dựng trên chương trình khung chung ấy không giống nhau ở từng vùng, từng sở, từng trường học.
Bộ cũng cho biết thành phần giáo viên phổ thông tham gia xây dựng chương trình - SGK lần này không nhiều. Liệu điều này có dẫn tới việc đổi mới rời xa thực tiễn?
- Khi xây dựng chương trình về mặt lý thuyết được lấy ý kiến của từng nhà trường, từng GV, thậm chí ở các nước phát triển, người ta còn hỏi ý kiến học sinh. Tất nhiên, chương trình khung cũng được lấy ý kiến rộng rãi nhưng theo tôi, ý kiến của chuyên gia là quan trọng cùng với ý kiến của GV, các viện nghiên cứu. Thực tế, GV phổ thông hiện nay có ít chuyên gia về chương trình học và xây dựng chương trình nên có thể không lựa chọn được nhiều GV tham gia.
Đánh giá tổng thể của ông về những nội dung chương trình - SGK mới công bố? Ông kỳ vọng gì vào lần đổi mới này?
- Đây là một câu hỏi khó. Không thể trả lời nếu không có những nghiên cứu về chương trình bộ vừa công bố. Tôi được biết chương trình vừa công bố đã được bộ lấy ý kiến chuyên gia ở cả 2 miền. Hy vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông lần này. Ở các nước phát triển, chương trình được thay đổi trong khoảng 6-7 năm. Có nghĩa là chúng ta vẫn có cơ hội sửa chữa nhưng tốt hơn là nó có thể đứng vững trong khoảng 10 năm. Tôi nghĩ là với đội ngũ chuyên gia và sự chuẩn bị của bộ trong những năm qua, chương trình vừa công bố sẽ đáp ứng được mong đợi của công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.
Xong lớp 9, hoàn thành chương trình cơ bản
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình - SGK mới phân ra 2 giai đoạn tương ứng của giáo dục phổ thông: Tiểu học và THCS trang bị kiến thức nền tảng, hình thành phương pháp tự học, từ đó giúp học sinh ý thức năng lực và hiểu cơ bản nghề nghiệp ngoài xã hội, có thể quyết định học tiếp hay dừng lại học nghề. Giai đoạn 2, các em sẽ được định hướng nghề nghiệp, giảm các môn học bắt buộc và tăng môn tự chọn.
Với SGK mới, học sinh sẽ hoàn thành chương trình cơ bản từ năm lớp 9, thời gian học ít đi nhưng yêu cầu nhiều hơn. Do vậy, chương trình được thiết kế theo hướng tích hợp, giảm số môn học, hình thành năng lực cho học sinh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bộ đã chỉ đạo 7 trường ĐH sư phạm trọng điểm tham gia đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình và SGK mới. Các trường cũng có nhiệm vụ tích cực phối hợp với các trường phổ thông chuẩn bị nội dung tập huấn, bồi dưỡng GV theo yêu cầu phát triển năng lực.
L.Thoa - T.Dũng
Bình luận (0)