Giải đáp những lo lắng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho hay đã ban hành hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp an toàn trong dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, hướng dẫn các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập. Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế ban hành Sổ tay phòng chống Covid-19 và tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Trong đó, lưu ý ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học. Đồng thời, nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ an toàn phòng chống dịch trong tình hình mới.
Các địa phương căn cứ vào đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc nơi nào bảo đảm an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập…
Liên quan đến việc triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vắc-xin cho học sinh, như TP HCM với khoảng 305.000 học sinh, Bình Dương là 42.330, Ninh Bình 32.938 học sinh.
Các trường phải bảo đảm an toàn chống dịch khi học sinh trở lại (Ảnh: TẤN THẠNH)
Nói về việc có hay không việc phải đóng cửa trường học khi phát hiện ca bệnh Covid-19 trong trường, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết nếu người dân được tiêm đủ 2 mũi, thậm chí có những mũi tiêm nhắc lại để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng ở mức độ trên 70%, nếu có một vài cá thể nhiễm bệnh thì cộng đồng vẫn được bảo vệ.
Như vậy, không chỉ học sinh, sinh viên được trở lại trường học trực tiếp mà giãn cách xã hội cũng được giảm thiểu ở mức thấp nhất. Thậm chí, ở một số địa phương có độ bao phủ vắc-xin cao khi phát hiện các ca mắc Covid-19 thì chỉ cần theo dõi sức khỏe bệnh nhân và nơi đó vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, đồng thời thực hiện khoanh vùng, giãn cách ở mức nhỏ nhất.
Cũng theo bà Hồng, với người lớn hay trẻ em dù đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin vẫn có nguy cơ mắc, song tiến triển nặng sẽ giảm hơn nhiều và nguy cơ tử vong giảm rõ rệt. Mục đích tiêm vắc-xin là giảm tình trạng bệnh nặng và nguy cơ tử vong đối với người mắc Covid-19.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho rằng trẻ em là đối tượng đang rất cần quan tâm trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Cần tạo miễn dịch trong cộng đồng nói chung và trẻ em nói riêng để bảo vệ trước dịch bệnh. Việc tiêm vắc-xin giúp cho trẻ cơ hội được đi ra bên ngoài, được học, được tham gia các hoạt động ngoài trời.
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Vắc-xin Pfizer được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực chọn để tiêm cho trẻ em.
Bình luận (0)