xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm SGK mới theo hướng nào?

Dương Thành

Thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng từng bước trong quá trình làm bộ sách giáo khoa mới sẽ tránh được sự trùng lặp, chồng chéo kiến thức và phương pháp, dẫn tới quá tải như những bộ sách giáo khoa trước đây

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã xác định: Sách giáo khoa (SGK) mới sẽ được biên soạn bởi các tổ chức, cá nhân trên cơ sở chương trình phổ thông thống nhất. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ tham gia biên soạn riêng một bộ SGK. Vậy SGK mới sẽ biên soạn theo hướng nào để đáp ứng yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện” giáo dục?

Giảm tải, tăng khả năng sáng tạo

Trước hết, cần thống nhất quan điểm: Đổi mới không phải là một cuộc lật đổ hoàn toàn mà trên cơ sở phát huy những thành tựu, những mặt tích cực đã đạt được trước đó.

Sách giáo khoa mới cần gần gũi với cuộc sống, giúp học sinh tăng khả năng sáng tạo Ảnh: TẤN THẠNH

Sách giáo khoa mới cần gần gũi với cuộc sống, giúp học sinh tăng khả năng sáng tạo Ảnh: TẤN THẠNH

Định hướng chung của đề án đổi mới giáo dục lần này là phát triển năng lực học sinh, vừa bảo đảm tính thống nhất trên toàn quốc, vừa phù hợp đặc thù của mỗi địa phương, phát triển phẩm chất và năng lực người học, bảo đảm hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và tiếp cận nghề nghiệp. Như vậy, theo chúng tôi, thời điểm hiện tại và những năm tới, chủ trương “phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo trong học tập của người học” vẫn là xu hướng chung của quá trình dạy học.

Không chỉ đổi mới tri thức để bảo đảm chất liệu những bài học gần gũi với cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi, kích thích khả năng tự học, tự khám phá cho học sinh, SGK còn cần phải quan tâm đổi mới phương pháp, tăng cường quá trình rèn luyện kỹ năng, chú trọng phân tích, giải quyết những vấn đề tình huống đặt ra trong cuộc sống nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Thứ đến, phải có sự gắn bó liền mạch, liên thông giữa các lớp cũng như các cấp học về nội dung lẫn cách thức tiếp cận. Việc biên soạn SGK phải được tiến hành từng bước, cẩn trọng và chắc chắn. Đó là biên soạn theo kiểu cuốn chiếu từ lớp dưới lên lớp trên. Ví dụ, biên soạn cơ bản xong các bộ sách đầu cấp lớp 1, 6, 10 thì có sự chuẩn bị gối đầu cho các bộ sách lớp 2, 7 và 11. Sau khi tổ chức lấy ý kiến góp ý, thẩm định, nghiệm thu xong sách lớp dưới, cần bắt tay biên soạn bộ sách lớp trên đã được lên khung trước đó. Việc điều chỉnh bổ sung sẽ là công việc lâu dài qua quá trình cọ xát từ thực tế dạy học ở các địa phương khác nhau.

Thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng từng bước sẽ tránh được sự trùng lặp, chồng chéo kiến thức và phương pháp, việc chỉ đạo để giảm tải chương trình sẽ tập trung, có hiệu quả sát thực hơn. Không nên sốt sắng, chạy đua với thời gian tổ chức biên soạn đồng thời, cấp tập cùng lúc nhiều bộ sách của các lớp. Vì như thế rất dễ rơi vào tình trạng “trăm hoa đua nở”, cuối cùng sản phẩm chỉ là những bộ SGK lộn xộn, thậm chí trở lại tình trạng quá tải như trước đây.

Chú trọng đổi mới phương pháp

Định hướng đổi mới SGK tiếp theo là sử dụng phương pháp tích hợp. GS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới SGK, đã khẳng định: Chương trình SGK sẽ đổi mới theo hướng tích hợp. Chương trình mới sẽ chú trọng hơn đến việc hình thành phát triển năng lực toàn diện cho người học. Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến chương trình sau năm 2015 giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ, học sinh không học cùng lúc quá 8 môn như lâu nay.

Chẳng hạn, bậc tiểu học sẽ chỉ còn 3-6 môn học + 4 hoạt động (hiện nay là 11 môn học + 3 hoạt động). Bậc THCS sẽ chỉ còn 8 môn học + 4 hoạt động (hiện là 13 môn + 4 hoạt động). Bậc THPT tiếp tục thực hiện tích hợp. Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Học sinh học ít môn, trong đó có một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn.

Chương trình tích hợp chú trọng cả nội dung lẫn phương pháp. Nó đặt ra yêu cầu tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học, không chạy theo khối lượng tri thức. Dù tích hợp dọc (từ lớp dưới lên lớp trên), tích hợp ngang (giữa các môn trong cùng chương trình lớp học) hay tích hợp đồng tâm theo hình xoáy trôn ốc (từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp)… đều phải nhất quán từ quan điểm giáo dục, hình thức tổ chức đến quy trình dạy học, đánh giá.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong đội ngũ giáo viên đứng lớp hiện nay, có bao nhiêu phần trăm hiểu và nắm rõ bản chất các phương pháp dạy học như: nêu vấn đề, tích cực, sắm vai, tích hợp, sáng tạo… để vận dụng? Nhiệm vụ tiếp theo là đồng thời với việc biên soạn SGK, bộ chủ quản phải đề ra phương án bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, giúp họ có đủ nhận thức về lý luận cũng như thực tiễn để tiếp cận tinh thần đổi mới. Sao cho khi bắt tay vào triển khai dạy học SGK mới thì đồng thời phương pháp dạy học cũng được áp dụng, nếu không thì rất dễ xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Quá trình nêu trên kéo theo sự đáp ứng các điều kiện khác như chất lượng cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cùng với việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý về thử nghiệm chương trình… Tất cả các khâu này phải được thực hiện nhất quán, cẩn trọng và nghiêm túc mới mong đạt hiệu quả.

Hội đồng thẩm định phải giỏi chuyên môn

Hiện nay, rất nhiều ý kiến băn khoăn không rõ Hội đồng Thẩm định SGK sẽ là ai, tổ chức nào hay vẫn nằm trong tay Bộ GD-ĐT? Ông Đồng Văn Ninh - tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn,

TP HCM - từng đề xuất: Hội đồng Thẩm định SGK trong lần đổi mới này không nên phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT. Ngoài những thành viên là cán bộ, giáo viên của trường ĐH Sư phạm, Viện Khoa học Giáo dục, Viện Nghiên cứu giáo dục, Bộ GD-ĐT cần mời nhiều giáo viên phổ thông giỏi chuyên môn. Số người đang trực tiếp giảng dạy phải tương đương hoặc nhiều hơn số người là cán bộ các vụ, viện. Bởi lẽ, hơn ai hết, giáo viên biết học sinh của mình cần gì, thiếu hay thừa cái gì.

Đây là một đề xuất hợp lý xét về nhiều mặt, tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như ý kiến của nhiều nhà giáo tâm huyết.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo