Mỗi học sinh tiểu học được ngân sách cấp hơn 3 triệu đồng/năm học. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh
450 triệu đồng để sơn trường!
Ngày 26-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Kim Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Colette, cho biết trong cuộc họp ngày 19-7, Ban Đại diện cha mẹ HS của trường đã thỏa thuận đóng góp 300.000 đồng/HS để sơn lại trường. Lý do trường được xây dựng quá lâu, xin kinh phí tu sửa đã 14 năm vẫn chưa được cấp nên PH tự nguyện đóng góp để sơn lại. Văn bản thỏa thuận này cũng được Phòng GD-ĐT quận 3 cho phép, số tiền thu được khoảng 450 triệu đồng. “Nhà trường không tham gia và cũng không quản lý nguồn thu này” - ông Giang cho biết. Theo ông Giang, đây là số tiền PH tự nguyện đóng góp.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao PH “tự nguyện”, được Phòng GD-ĐT cho phép nhưng lại có thư của chính PH phản ứng gửi đến báo chí?
Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận 7), theo phản ánh của nhiều PH, tiền ăn bán trú năm nay tăng lên 30.000 đồng/ngày. Đã có nhiều PH nêu ý kiến nhưng không có sự thay đổi. Ở năm học trước, PH cũng từng phản ứng việc tiền ăn quá cao - 25.000 đồng/ngày, sau đó nhà trường buộc PH phải ký thỏa thuận. “Ăn xế ở trường thì chẳng đáng là bao. Không những thế, tiền phục vụ bán trú mỗi tháng là 100.000 đồng nhưng mỗi lớp từ 40-50 HS mà số bảo mẫu lại ít. Như vậy thì số tiền phục vụ bán trú khổng lồ trên sẽ đi đâu?” - một PH đặt câu hỏi.
Trước đó, Trường Tiểu học Hiệp Tân, quận Tân Phú cũng gây choáng với thông báo tạm ứng đầu năm đối với học sinh bán trú lên đến 1,5 triệu đồng, bao gồm các khoản chi tiền ăn cho HS, mua các đồ dùng phục vụ cho HS bán trú, mua bảo hiểm y tế cho HS…
Văn bản... mở
Dù Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn thu chi trong các cơ sở giáo dục, trong đó quy định rõ những đơn vị để xảy ra sai phạm về công tác tài chính, nhất là tình trạng lạm thu, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều trường ở TP HCM năm nào cũng lặp lại tình trạng lạm thu nhưng chẳng thấy ai bị kỷ luật.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã ban hành khung giá các mức thỏa thuận đóng góp giữa nhà trường và PH. Theo đó, tiền tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với khối tiểu học từ 60.000-90.000 đồng, THCS từ 70.000-100.000 đồng, THPT từ 90.000-120.000 đồng. Tiền tổ chức học tăng cường ngoại ngữ, tin học đối với bậc tiểu học từ 80.000-100.000 đồng; THCS, THPT 100.000-120.000 đồng. Đối với các khoản tiền ăn và nước uống sẽ theo chi phí thực tế. Theo bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), khi sở ban hành khung giá các mức thu thỏa thuận thì trường nào cũng chọn mức giá cao nhất.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng chính văn bản “mở” như vậy khiến các trường có cớ để thu thêm, thu cao. PH một trường THCS nổi tiếng tại quận 1 cho hay nhìn bộ đồng phục của con, ra chợ mua giá chỉ khoảng hơn 100.000 đồng nhưng trường bán ra hơn 300.000 đồng. PH muốn tự may cũng không được vì trường quy định phải mua đồng phục mới bán huy hiệu trường. “Quy định triệt buộc như thế thì cũng thấy “hoa hồng” biết “nở” cả trong đồng phục học sinh!” - PH này cho biết.
Bà Phạm Thúy Hà phân tích: “Ngân sách nhà nước rót theo số lượng HS, trường có sĩ số HS càng đông thì càng được cấp nhiều kinh phí. Tiền hoạt động của trường được tính theo nguyên tắc lấy số HS x 20% x 3.183.000 đồng (ngân sách cấp trên đầu HS tiểu học)…
Lạm thu do đâu?
Tuy nhiên, theo ban giám hiệu nhiều trường, tiền từ ngân sách không đủ để hoạt động. Trong buổi tiếp xúc với cử tri ngành giáo dục của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 28-9, bà Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), cho rằng ngành giáo dục yêu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục nhưng ngân sách cấp ngốn hết vào lương, thậm chí không đủ để trả tiền phụ cấp. Vậy lấy tiền đâu để có các hoạt động?
Giám sát các khoản thu chi TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng để khắc phục tình trạng lạm thu phải bỏ ban đại diện cha mẹ HS, còn nếu để tồn tại thì phải có cơ chế kiểm soát. Dưới góc độ một chuyên gia, cũng là hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đã đề xuất và được Sở GD-ĐT Hà Nội chấp nhận thí điểm việc thành lập hội đồng giám sát cộng đồng nhằm giám sát, ngăn ngừa tình trạng lạm thu trong nhà trường.
Theo TS Lâm, với các thành viên là đại diện hội cha mẹ HS, đại diện hội cựu giáo chức, hội khuyến học, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ phường, xã, hội đồng này sẽ giám sát việc sử dụng và quản lý các khoản tiền do cha mẹ HS đóng góp. Nếu phát hiện những sai phạm, hội đồng có quyền yêu cầu nhà trường làm rõ. Ông Lâm nhấn mạnh đây là nhân tố góp phần làm cho việc thu chi trong nhà trường minh bạch, hợp lý, hiệu quả. Ngay từ năm học 2013-2014, mô hình này sẽ được thí điểm tại Trường THPT Trương Định, một trung tâm giáo dục thường xuyên và 3 trường mầm non, tiểu học cùng đóng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đây là mô hình đáng được ủng hộ. “Hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho PH hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì, có phục vụ cho con em mình hay không. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng việc xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ” - ông Quang cho biết. Yến Anh |
Bình luận (0)