Bộ trưởng băn khoăn: “Tôi đã từng chất vấn: Tại sao vụ, cục nào cũng phân công cán bộ theo dõi từng khối trường nhưng về các vi phạm của cơ sở thì tôi không nhận được qua báo cáo từ vụ, cục chức năng mà chỉ nhận được thông tin qua báo chí?... Cách quản lý như vậy là không bình thường, cần thay đổi”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết đã và đang giải quyết dứt điểm những vấn đề tiêu cực trong giáo dục, điển hình là xử lý vụ ở Hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) và tâm sự rằng: “Đó là những thay đổi bước đầu, nhưng xin chia sẻ thật với các nhà báo là khó khăn lắm mới đạt được đấy...”.
Khó khăn nhưng phải làm, như năm 2012, bộ đã cho chấm thanh tra 17.000 bài thi tốt nghiệp THPT ở 16 tỉnh có kết quả tăng đột biến. Sau đó gửi lại kết quả này cho bí thư, chủ tịch của 16 tỉnh đó với số liệu và nhận xét cụ thể mặt tốt, mặt chưa tốt và những vấn đề cần rút kinh nghiệm của từng tỉnh. Rõ ràng, việc làm này đã có tác dụng tích cực trong việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục mà bộ đang hướng tới.
Ngay cả việc dạy thêm, học thêm tràn lan gây bức xúc dư luận; việc bắt dạy thêm, học thêm như “bắt trộm”, Bộ GD-ĐT cũng đã lắng nghe dư luận để hướng dẫn cơ sở thực thi các quyết sách của bộ tốt hơn, hợp lý hơn.
Làm được những việc nêu trên cho thấy Bộ GD-ĐT đã biết lắng nghe dư luận, đặc biệt là báo chí, từ đó đã có những thay đổi đáng mừng để đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục. Hy vọng trong năm 2013, Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT để trình Hội nghị Trung ương 8. Muốn có một đề án khoa học, tiên tiến nhất, bộ phải biết lắng nghe dư luận, biết tiếp thu những đóng góp có trách nhiệm và khoa học của các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu…
Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề bởi liên quan đến một lĩnh vực được xem là quốc sách hàng đầu và cũng là thách thức về năng lực với Bộ GD-ĐT.
Bình luận (0)