Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè hay vào mùa mưa lũ, nhiều vụ đuối nước thương tâm lại xảy ra ở tỉnh Quảng Trị như một điệp khúc buồn. Trước thực tế đau lòng ấy, 5 thầy giáo tâm huyết đã đồng lòng, đồng sức mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng "rốn lũ" để góp phần ngăn những dòng nước mắt.
Mệnh lệnh từ trái tim
Nhiều ngày qua, mưa bão liên tục hoành hành ở Quảng Trị. Ngồi trong nhà, nhìn biển nước mênh mông, lòng thầy Nguyễn Viết Tước (giáo viên Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng) như có lửa đốt.
Lớp học trên những con kênh của các giáo viên tình nguyện và trẻ em vùng “rốn lũ”
Mấy tuần trước, tranh thủ ngày nắng, thầy Tước đã liên lạc với đồng nghiệp đến những dòng kênh quen thuộc để nhắc lại kỹ năng bơi lội cho các em nhỏ ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh. Cũng chính ở những dòng kênh này, mùa hè vừa qua, các thầy đã mở nhiều lớp dạy bơi miễn phí, giúp các bậc phụ huynh vơi đi nỗi ám ảnh, âu lo sông nước.
Các em nhỏ được hướng dẫn kỹ năng cứu người đuối nước
Tại Quảng Trị, thầy Nguyễn Viết Tước được khá nhiều người biết. 23 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy đã có 17 năm dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ em. Sinh ra và lớn lên ở huyện Hải Lăng, thầy Tước từng chứng kiến nhiều vụ đuối nước thương tâm. Thầy hiểu thời gian trôi đi, tấm di ảnh người tử nạn có thể ố màu nhưng vết thương trong lòng thân nhân thì còn mãi.
Không đau sao được khi con em họ sáng còn tươi vui cắp sách đến trường, chiều đã trút hơi thở cuối cùng dưới lòng nước lạnh. "Phải ngăn những giọt nước mắt đau thương này lại" - đó là tiếng lòng và cũng chính là mệnh lệnh từ trái tim thầy Tước.
Thầy Nguyễn Viết Tước đã có 17 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em
Chuyện trò về lớp dạy bơi miễn phí, thầy Nguyễn Viết Tước cho biết hành trình của mình không đơn độc. Mấy năm vừa qua, đồng hành với thầy là 4 giáo viên, gồm: Nguyễn Minh Thắng, Trương Minh Đức, Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Quốc. Họ đều là cựu sinh viên các trường thể dục - thể thao. Sau khi rời ghế giảng đường, mỗi người công tác ở một miền quê, ngôi trường, ai cũng có hoàn cảnh riêng. Điểm chung của họ là đều yêu nghề, mến trẻ, luôn cảm thấy nhói lòng mỗi khi nghe tin về những vụ đuối nước.
Thầy Nguyễn Minh Thắng - giáo viên Trường THCS Hiếu Giang, TP Đông Hà - kể đã từng chứng kiến một vụ đuối nước thương tâm vào mùa hè cách đây hơn 4 năm. Lúc đó, thầy đưa con trai đi bơi và bất ngờ nghe tiếng kêu cứu. Sau khi lao xuống nước quyết tâm giành lấy sự sống cho cậu bé, thầy Thắng bàng hoàng nhận ra lời kêu cứu đến tai mình quá muộn. Tiếng khóc của người mẹ mất con như nhát dao cứa vào lòng thầy, ám ảnh hằng đêm.
Cũng như thầy Tước và thầy Thắng, chính mệnh lệnh từ trái tim đã thôi thúc 3 giáo viên còn lại đến với nhóm bằng công việc không lương, không phụ cấp. Sau khi gặp nhau ở ý tưởng, họ cùng tính toán phương án tổ chức lớp dạy bơi, lên giáo trình, lập nội quy… Không ai nghĩ đến chuyện đặt tên nhóm hay rình rang tổ chức lễ thành lập, ra mắt. Lớp dạy bơi miễn phí đầu tiên của nhóm được mở sau cuộc gặp gỡ lần đầu vỏn vẹn 2 tuần. Các thầy xác định từ nay sẽ "hy sinh" mùa hè cho sứ mệnh mới.
Lớp học trên dòng kênh
Dạy bơi cho trẻ em chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ở miền quê khó nghèo Quảng Trị, nhiệm vụ đó càng thử thách các thầy.
Trước khi tổ chức mỗi lớp học mới, các thầy đều về tận nơi để khảo sát nhu cầu, làm việc với cán bộ địa phương, tìm địa điểm dạy phù hợp… Không có bể bơi, các thành viên trong nhóm cẩn thận lựa chọn đoạn kênh phù hợp rồi tìm thân tre, gỗ về rào chắn. Biết rằng phần lớn trẻ em đều hiếu động, dễ xảy ra sự cố không mong muốn nhưng các thầy vẫn nhận trách nhiệm, áp lực về mình.
Các thầy giáo hướng dẫn học trò khởi động trước giờ học bơi
Mỗi buổi học, nhóm luôn bố trí 2 thầy giảng dạy và ít nhất 2 thầy giám sát. Phương châm mà các thầy đặt ra là: "An toàn, hiệu quả và miễn phí".
Tin có 5 thầy giáo mở lớp dạy bơi miễn phí lan truyền rất nhanh. Hễ các thầy về xã nào, người dân địa phương và khu vực lân cận cũng nườm nượp tìm đến. Không nỡ từ chối, các thầy chia ra nhiều lớp với ngày tháng, khung giờ, lứa tuổi, năng lực… khác nhau.
Để bảo đảm việc dạy và học, các thành viên trong nhóm luôn có mặt từ tinh mơ và trở về khi trời nhá nhem tối. Ca này tiếp nối ca kia, nhiều khi họ không có thời gian nghỉ ngơi. Ngay bữa cơm trưa lắm lúc họ cũng ăn vội bên dòng kênh. Suốt ngày dầm nước, gương mặt ai cũng tím tái, không biết sẽ đổ bệnh lúc nào.
Thấy các thầy vất vả, những người gửi gắm con em mình vừa thương vừa lo. Vậy mà không thành viên nào trong nhóm ta thán, tâm trí họ đang bận đặt vào các em nhỏ.
Ở vùng nông thôn, bộ đồ bơi, chiếc kính là thứ gì đó quá xa xỉ với trẻ. Có em đang bơi chợt khựng lại, đỏ mặt tía tai vì phát hiện... bị trôi mất quần. Thương trò, các thầy bàn nhau góp tiền túi để mua đồ dùng cần thiết và vận động thêm nhà hảo tâm.
Thầy Trương Minh Đức kể: "Thông thường, khi kết thúc lớp học, chúng tôi phải thu kính lại cho khóa sau. Nhưng vì các cháu thích quá nên nhiều khi chúng tôi không nỡ. Kết quả là cứ sau mỗi khóa, cả nhóm lại phải xoay xở tìm kính mới".
Trải qua nhiều khó khăn, mỗi lớp học tổ chức thành công là niềm vui - phần thưởng lớn nhất đối với nhóm giáo viên dạy bơi miễn phí. Thông thường, sau 15 buổi học, các em đã nắm được kỹ năng cần thiết. Nhìn bọn trẻ vui đùa dưới làn nước, ít ai biết ngày đầu, có em thậm chí không dám rời vòng tay phụ huynh.
"Còn thở là còn cống hiến"
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nhóm giáo viên tình nguyện dạy bơi miễn phí chợt chùng xuống khi nhắc đến thầy Nguyễn Quốc. Đây là người đề xuất ý tưởng, kết nối tổ chức lớp dạy bơi đầu tiên sau ngày nhóm thành lập. Không ai ngờ, người thầy xốc vác, tâm huyết, sẵn sàng gạt bỏ mọi bộn bề, lo toan của cuộc sống để gia nhập nhóm đã sớm phải dừng chân.
Bốn thành viên còn lại không bao giờ quên nụ cười hồn hậu trên môi thầy Nguyễn Quốc. Là người con miền quê nghèo Triệu Phong nhưng thầy lại chọn vùng núi rừng phía Tây Quảng Trị để "trồng người". Mỗi lần về quê, nghe tin có trẻ đuối nước, thầy Quốc lại nghĩ đến việc tổ chức lớp dạy bơi miễn phí. Khi biết 4 người bạn cũ có ý tưởng giống mình, thầy liền chạy xe máy vượt hơn 100 km về xuôi bàn chuyện.
Ít ai biết, để theo lớp dạy bơi miễn phí, lúc nào thầy Quốc cũng phải tằn tiện chi tiêu mới đủ tiền xăng xe, ăn uống, hỗ trợ học trò... Khi một số người hỏi: "Vì sao việc giữa đàng lại mang vào cổ?", thầy Quốc cười bảo: "Còn thở là còn cống hiến". Không ai ngờ, câu trả lời ấy lại vận vào số mệnh thầy.
Hôm thầy Nguyễn Quốc nhập viện điều trị căn bệnh ung thư, các thầy Nguyễn Viết Tước, Nguyễn Minh Thắng, Trương Minh Đức và Nguyễn Ngọc Ánh vào thăm. Gặp nhau, gương mặt mỏi mệt vì bệnh tật của thầy Quốc lóe sáng một nụ cười. Thầy tránh nói đến tình trạng sức khỏe mà hỏi nhiều về học trò, dự định sắp tới, kế hoạch vận động nhà hảo tâm...
Nghe những câu hỏi ấy, các thầy trong nhóm chỉ biết nuốt nước mắt. Sự kìm nén vỡ òa khi các đồng nghiệp tâm huyết nghe thầy Quốc gửi gắm: "Sau này, khi mình nhắm mắt xuôi tay, các cậu đừng chùn tay. Hãy cố đi đến cùng. Đừng quay lưng với bọn trẻ mà tội nghiệp. Có dịp thì lên vùng cao, dạy bơi cho học trò mình với".
Ở chốn cao xanh, có lẽ thầy Nguyễn Quốc sẽ rất vui khi ước mơ dở dang của mình đang được viết tiếp. Đáng mừng hơn là ngày càng có nhiều giáo viên trong tỉnh tình nguyện đồng hành với nhóm.
Đến những miền quê trên địa bàn để mở lớp dạy bơi, các thầy luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ bằng cả tấm lòng. Ai cũng trân quý, thương yêu và muốn cùng những người thầy đáng kính hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ chết đuối, ngăn những dòng nước mắt đau thương.
"Chúng tôi luôn dặn học trò không được chủ quan dẫu đã biết bơi. Bởi lẽ, dưới dòng nước, nhiều mối nguy hiểm luôn chực chờ" - thầy Nguyễn Ngọc Ánh trải lòng.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)