Lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức thống nhất trên cả nước vào sáng 5-9.
Học sinh đầu cấp tham dự đầy đủ
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, các trường tổ chức khai giảng phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh (HS), các trường tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Năm học 2020-2021, Hà Nội có 2.110.600 HS với 2.794 trường học - thêm 44 trường, 67.594 HS so với năm học trước. Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết toàn TP thống nhất tổ chức lễ khai giảng trực tiếp tại trường học vào ngày 5-9. Tuy nhiên, khác với mọi năm, chương trình lễ khai giảng năm nay được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, thời gian không quá 45 phút nhưng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định để bảo đảm an toàn sức khỏe cho HS và giáo viên.
Khai giảng năm học mới, học sinh đầu cấp sẽ được tham dự đầy đủ Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Chử Xuân Dũng, trong lễ khai giảng, các trường chú trọng việc đón HS đầu cấp và tùy theo điều kiện thực tế để bố trí HS tham dự tại sân trường cho phù hợp, bảo đảm giãn cách theo quy định. Nếu điều kiện sân trường đủ rộng, có thể cho tất cả HS tham dự nhưng bảo đảm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang phòng chống dịch. Trong trường hợp sân trường không đủ rộng, nhà trường ưu tiên HS khối lớp đầu cấp dự lễ, những khối còn lại ngồi trên lớp thực hiện các hoạt động theo hướng dẫn.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng cho biết các trường không tập trung HS để tổ chức luyện tập trước ngày khai giảng; giảm bớt một vài hoạt động như không tổ chức diễu hành đón HS đầu cấp, không thả bóng bay, không tổ chức văn nghệ để buổi khai giảng được diễn ra ngắn gọn. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn tổ chức trang trí trường và lớp học để tạo quang cảnh vui tươi, phấn khởi trong ngày khai trường.
Tại TP HCM, năm học 2020-2021 có hơn 1,7 triệu HS và gần 81.000 giáo viên, dự kiến có khoảng 2.348 trường học. Theo Sở GD-ĐT TP, riêng năm học 2019-2020, số HS không có hộ khẩu tại TP là 377.769 em. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp (đặc biệt là cấp tiểu học hiện nay có sĩ số HS/lớp cao hơn so với chuẩn quy định), tỉ lệ HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Năm học mới này tăng 54.645 HS, trong đó mầm non tăng 3.668 em, tiểu học tăng 8.989, THCS tăng 27.950 và THPT tăng 14.038 em. Hiện trên địa bàn một số quận, huyện, nhiều trường có quy mô trên 40-50 HS/lớp, phần nào hạn chế trong công tác quản lý, chất lượng giảng dạy.
TP HCM cũng đã quyết phương án tổ chức lễ khai giảng trong ngày 5-9. Cụ thể, lễ khai giảng tại TP được tổ chức theo hình thức cử đại diện. Theo đó, tập trung đại diện HS các khối lớp tham dự lễ; mỗi lớp 10 - 20 em (riêng HS các lớp đầu cấp dự đầy đủ). Chương trình lễ khai giảng ngắn gọn (khoảng 60 phút, gồm: văn nghệ chào mừng, nghi thức đón HS đầu cấp, chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu...) nhưng vẫn trang trọng, ý nghĩa.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, hình thức tổ chức khai giảng cử đại diện là nhằm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương và TP, nhất là thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19.
Tăng cường an toàn trường học
2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dù vậy TP HCM vẫn không thể đáp ứng 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Năm học mới này, TP HCM còn thiếu 443 phòng. Số phòng học dự kiến xây mới vẫn chưa đáp ứng được mong muốn, đồng nghĩa tỉ lệ học bán trú tại các quận, huyện vẫn căng thẳng.
Hiện TP HCM có 18/24 quận, huyện tương đối ổn định về chỗ học để HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Một số quận như Gò Vấp, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang gặp khó khăn do số lượng trẻ đến tuổi vào lớp 1 trên địa bàn quá đông.
Chuẩn bị đón HS tựu trường năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi các trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng nhà trường, yêu cầu tiếp tục chủ động phối hợp cùng chính quyền và công an địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học. Sở yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất (tường bao, móng, cống rãnh, cây xanh, bàn ghế, hệ thống điện...), kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn để khắc phục, quyết tâm không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học; tăng cường kiểm soát và giám sát khách đến liên hệ công tác, không để người lạ xuất hiện trong đơn vị, trường học.
Các nhà trường thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học; tuyên truyền, cung cấp thông tin về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Chú trọng dạy kỹ năng sống
Sở GD-ĐT TP Hà Nội yêu cầu các trường lồng ghép những nội dung về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp hành vi xâm hại trẻ em vào kế hoạch giáo dục của nhà trường; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng chống xâm hại, nhất là trên môi trường mạng.
Các trường cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại trường, đặc biệt là trường mầm non, các nhóm trẻ, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích cho HS.
Bình luận (0)