Courant rất có giá trị. Những sinh viên đến đây là những sinh viên ưu tú trên thế giới. Nẫm đã vượt qua nhiều người giỏi ở đó để giành được giải thưởng thì không phải là chuyện nhỏ.
MỞ ĐƯỜNG
Theo PGS-TS Dương Minh Đức, Giáo sư hướng dẫn Nẫm ở Viện Toán COURANT đã đặt ra cho Nẫm một số vấn đề mà những nhà toán học ở Viện Toán Courant cũng như những người họ quen biết trong giới toán học chưa tìm ra cách giải. Nẫm đã giải quyết được một phần vấn đề đặt ra đó. Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng dựa trên kết quả đạt được của Nẫm, Viện Toán Courant đánh giá đây là người có triển vọng về toán và quyết định trao giải thưởng.
Cũng theo PGS-TS Dương Minh Đức, ở xứ người, muốn hơn nhau phải học trối chết, chứ không phải dễ. Nhưng thành công của Nẫm hôm nay, thực sự đã mở cánh cửa lớn cho những sinh viên giỏi toán đi sau bước vào những trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Những đóng góp này, vì thế, rất đáng trân trọng.
KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU
Năm 2002, tốt nghiệp hệ cử nhân tài khóa thứ 2 của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, Nẫm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa Toán - Tin. Lúc này, Nẫm đã có trong tay 3 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Với 2 công trình được đăng tải, Nẫm đã đủ tiêu chuẩn bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam nhưng Nẫm đã không chạy theo bằng cấp. Lòng đam mê toán học và ý chí vươn lên đã khiến Nẫm dồn sức vào con đường mình yêu thích hơn là nghĩ đến việc vội vã kiếm tiền. Nẫm cũng là tay dạy kèm giỏi.
Trong lúc nhiều sinh viên tranh thủ tìm học bổng đi học nước ngoài dù là trường chỉ ở mức “tầm tầm” thì Nẫm được thầy Đức “phát hiện” và định hướng phải chọn trường danh tiếng. Nẫm đã kiên định mục tiêu theo sự hướng dẫn của thầy. Dù năm đầu xin học bổng có chút trục trặc (vì trường lớn khả năng từ chối hồ sơ cũng cao) nhưng Nẫm dám chờ đợi và đến năm 2004, Nẫm nhận được học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) để sang học tiến sĩ tại ĐH New York, Mỹ, mà Viện Toán Courant là nơi lý tưởng để ươm những mầm xanh toán học.
KHÔNG CHỈ CÓ HỌC TOÁN
Trên tay cầm cuốn sách Lý thuyết độ đo hình học của một tác giả Mỹ do Nẫm vừa gởi về, PGS-TS Dương Minh Đức tỏ ra rất hài lòng về người học trò của mình. Ông nói: “Thấy tài liệu nào hay mà ở khoa còn thiếu là Nẫm gởi về ngay. Tài liệu của chúng tôi ngày càng nhiều cũng nhờ Nẫm”. Nẫm còn thường xuyên trao đổi qua email với thầy Đức cũng như các sinh viên trong khoa về những cái hay mà Nẫm quan sát, học được ở nước ngoài. Ví dụ như cách dạy tiên tiến, cách hướng dẫn sinh viên hoặc các thuật toán...
Triết lý sống của Nẫm thật nhân bản: “Phải biết nghĩ tới người khác, tuyệt đối không được phép làm gì tổn hại đến những người đi sau”.
Nhiều giảng viên trong Khoa Toán – Tin cho rằng: Đào tạo sinh viên, không mong họ trở thành nhà toán học mà mong họ có thể giúp được xã hội. Những người như vậy cần hơn là những người giỏi mà không quan tâm đến cộng đồng. Tấm lòng của Nẫm với đàn em đi sau thật sự làm yên lòng những người thầy đang cố công gầy dựng một thế hệ toán học đỉnh cao của Việt Nam.
QUAN NIỆM SỐNG CỦA LÊ QUANG NẪM Sinh năm 1980, trong một gia đình lao động nghèo, cuộc sống của cả gia đình chỉ biết trông cậy vào những cuốc xích lô của người cha. Thế nhưng, vượt qua tất cả mọi khó khăn của cuộc sống, Lê Quang Nẫm đã thực hiện được ước mơ tri thức của mình. Năm 2000, khi 20 tuổi, Nẫm đã là tác giả cuốn sách Tìm tòi để học Toán. Năm 2001, Nẫm được giải 3 sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ, giải thưởng “Sao tháng Giêng” năm học 2000- 2001, là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu, đại biểu thanh niên tham dự Đại hội Đảng toàn quốc năm 2001. Lê Quang Nẫm tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, Khoa Toán - Tin loại xuất sắc, được giữ lại trường làm giảng viên. Phương châm sống của Nẫm là: “Tuổi trẻ cần có khát vọng lớn và cố gắng tới hơi thở cuối cùng để thực hiện. Phải biết nghĩ tới người khác, tuyệt đối không được phép làm gì tổn hại đến những người đi sau, không chiếm chỗ người khác nếu không có tài năng”. T.V |
Bình luận (0)