Năm 1973, GS Hoàng Tụy có mặt tại Moscow (Nga) đúng vào dịp diễn ra Olympic Toán quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là IMO) lần thứ 15. Một hôm GS V. A. Skvortsov, một người bạn của GS Tụy và là thành viên ban tổ chức kỳ thi, mời ông tham gia đoàn chủ tịch buổi lễ bế mạc, trao huy chương cho các học sinh đoạt giải. Nhân cơ hội ấy, GS Tụy trao đổi ý kiến với một số vị trưởng đoàn các nước về khả năng Việt Nam dự IMO 16 sẽ tổ chức ở CHDC Ðức năm 1974. Khó khăn chính là liệu nước chủ nhà có vui lòng đài thọ chẳng những tiền ăn ở tại Ðức mà cả tiền vé máy bay đi, về. GS Tụy hỏi vị trưởng đoàn Ðức. Ông này sốt sắng tán thành.
GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Ðại học và Trung học chuyên nghiệp thời ấy, là một trí thức bách khoa uyên bác, có tầm nhìn chiến lược. GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cũng là một nhà Việt Nam học nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Cả hai vị đều tán thành đề xuất của GS Hoàng Tụy và khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng.
Ðầu mùa hè năm 1974, đội dự tuyển quốc gia được thành lập, gồm 9 học sinh, chuẩn bị dự IMO 16. Các bạn trẻ được tập trung về tại dãy nhà lắp ghép mới xây, nóng như nung, trong sân sau trụ sở Bộ Ðại học và Trung học chuyên nghiệp ở số 9 Hai Bà Trưng - Hà Nội. Hầu hết là những học sinh lớp cuối phổ thông chuyên toán của 3 trường đại học lớn: Tổng hợp Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 1 và Sư phạm Vinh. Hoàng Lê Minh, Ðặng Hoàng Trung, Nguyễn Quốc Thắng - chuyên toán Tổng hợp; Vũ Ðình Hòa, Tạ Hồng Quảng - chuyên toán Sư phạm 1; Lê Tuấn Hoa - chuyên toán Sư phạm Vinh… Hằng ngày, những học sinh này được các thầy giáo giỏi kèm cặp ôn luyện trong vài ba tháng trước kỳ thi.
Lúc bấy giờ, tôi là phóng viên trẻ của Báo Hà Nội Mới, say mê đề tài học sinh giỏi, thường lui tới dãy nhà lắp ghép nơi đội dự tuyển tập trung để trò chuyện với các bạn sau giờ ôn luyện, khai thác tài liệu để dành viết báo.
Những năm đó, số nước dự IMO chưa nhiều cho nên đoàn học sinh mỗi nước gồm 8 người. Về sau, số nước dự thi đông hơn - chẳng hạn IMO 2012 ở Argentina lên tới 100 nước - nên mới quy định lại, rút bớt, chỉ còn 6.
Việt Nam dự IMO để thăm dò là chính, bởi thế, đội tuyển không cần đủ 8 học sinh mà chỉ chọn 5. Bốn bạn trong đội dự tuyển… bị loại! Trong đó có Lê Tuấn Hoa, người xếp… thứ 6. Sát nút. Tiếc quá!
Trước hôm đoàn học sinh ta lên đường đi Berlin (Ðức), Thủ tướng Phạm Văn Ðồng lặng lẽ tiếp đoàn tại Phủ Chủ tịch, ân cần căn dặn, rồi mời các bạn trẻ ăn phở, xem phim. Thời ấy, phở là món hiếm. Nói "lặng lẽ" bởi vì giới truyền thông không hay biết để đưa tin. Sau buổi tiếp, GS Tạ Quang Bửu nói nhỏ với tôi:
- Học sinh ta rất thông minh. Chỉ cần các em bình tĩnh, tự tin là ta có thể giành giải. Nhưng nếu như lần đầu dự thi, chưa được giải thì vẫn có lợi. Ta sẽ rút được kinh nghiệm cho các năm sau.
Rồi ông mỉm cười nói thêm: "Tuy nhiên, cậu hãy chờ xem, biết đâu đấy, có thể có chuyện bất ngờ! Ta giành một tấm huy chương đồng chẳng hạn".
Tấm huy chương đồng ấy, Bộ trưởng Bửu đặt hy vọng vào Vũ Ðình Hòa, học sinh luôn dẫn điểm trong suốt mấy tháng tập trung ôn luyện.
Kết quả thật vượt xa mong đợi. Việt Nam đoạt 4 huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Ðình Hòa (bạc), Ðặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng chỉ thiếu 1 điểm thì đoạt huy chương đồng.
Tôi mê say lao ngay vào viết những bài ký chân dung nóng hổi về các bạn trẻ đoạt huy chương như Hoàng Lê Minh, Vũ Ðình Hòa. Tiếc thay, từ đấy về sau, tôi không còn "ngó ngàng" gì tới những bạn khác trong đội dự tuyển bị loại vào phút chót. Lê Tuấn Hoa nằm trong số đó.
Cho đến năm 2004.
Anh Ngô Bảo Châu được tặng Giải thưởng Clay ở Mỹ. Ðể viết bài về Châu, tôi tìm gặp thân sinh của anh là GS Ngô Huy Cẩn. GS Cẩn đề nghị tôi nên hỏi chuyện thêm GS Lê Tuấn Hoa, khi ấy giữ chức phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Anh Hoa là người đã cùng anh Vũ Ðình Hòa dạy kèm Ngô Bảo Châu trong những năm trung học. Hơn nữa, anh Hoa lại nghiên cứu một chuyên ngành toán gần với Châu.
Giáp mặt anh Hoa rồi, tôi mới chợt nhớ ra người học trò tỉnh Thanh năm nào trong đội dự tuyển thi IMO 30 năm trước.
Anh sinh ra tại một làng quê ở tỉnh Thanh Hóa. "Nếu không có các kỳ thi học sinh giỏi thì thật khó tưởng tượng tôi có thể vượt xa lũy tre làng. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, làng quê ta còn nhiều tre lắm…" - Lê Tuấn Hoa nhớ lại.
Về những năm cấp II, anh kể: "Nghe đến thầy Tôn Thân "khét tiếng" ở Hà Nội, ai chẳng ao ước được học với thầy. Khi đó, những người tỉnh lẻ như tôi làm sao hy vọng biến niềm ao ước ấy thành sự thật!".
Hoàng Lê Minh, Vũ Ðình Hòa và Ngô Bảo Châu sau này đều từng được học thầy Tôn Thân ở các lớp cấp II chuyên toán Trường Trưng Vương. Lên cấp III, các bạn ấy được vào học tại các khối chuyên toán của các trường đại học lớn ở thủ đô.
Phải giỏi toán lắm, một học sinh tỉnh lẻ như Lê Tuấn Hoa mới trúng tuyển vào khối chuyên toán Trường Ðại học Sư phạm Vinh. Nhưng những năm đó, trường sơ tán lên miền rừng núi. Thế mà Lê Tuấn Hoa vẫn lọt được vào đội dự tuyển quốc gia.
Suốt những năm dài sau đó, bằng cố gắng âm thầm và tài năng tiềm ẩn, Lê Tuấn Hoa lần lượt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học, được Nhà nước ta công nhận phó giáo sư, rồi giáo sư. Và điều đáng quý nữa là anh không ngừng công bố nhiều công trình mới trên các tạp chí ISI, đạt chỉ số trích dẫn cao.
Chân tình, khiêm tốn, ôn hòa và cẩn trọng, anh được các bạn đồng nghiệp yêu mến, tin cậy bầu làm phó viện trưởng Viện Toán học, nhiều năm làm việc bên cạnh 2 nhà toán học nổi tiếng là Hoàng Tụy, Ngô Việt Trung. Anh còn giữ trọng trách phó chủ tịch, rồi chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, luân phiên đảm nhiệm chức chủ tịch Hội Toán học Ðông Nam Á và tham gia Hội đồng Toán học thế giới. Gần đây, GS Lê Tuấn Hoa được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (do GS Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học). Quả là trời không phụ những ai bền chí. Người xưa từng nói: "Trường đồ tri mã lực" (Ðường dài mới biết ngựa hay). Ở đây, với Lê Tuấn Hoa thì: Ðường dài mới biết tài hoa!
Tôi muốn dẫn lời viện sĩ A. Markushavitch, phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây, thay cho lời kết: "Kinh nghiệm mấy chục năm tổ chức Olympic Toán ở Liên Xô cho thấy nhiều người đoạt giải về sau đã trở thành những nhà bác học lỗi lạc. Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu tưởng rằng những ai không đoạt giải đều là những người không có khả năng trở thành thiên tài...".
Bình luận (0)