Sau 6 năm mở trường, Trường ĐH Việt - Đức mới tuyển được 206 sinh viên hệ ĐH
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sau 6 năm tuyển sinh, Trường ĐH Việt - Đức chỉ mới mở được 3 ngành hệ ĐH, 6 ngành cao học, 1 ngành tiến sĩ với 375 người học, trong đó có 206 sinh viên hệ ĐH, 169 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Con số này quá khiêm tốn so với định hướng đến năm 2020 trường sẽ có 29 ngành học với 5.000 người học.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới đây, GS Jũrgen Mallon, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, cho biết một trong những khó khăn mà trường gặp phải là thu hút người học vì trường chủ yếu đào tạo các ngành kỹ thuật, bên cạnh đó là khó khăn về cơ sở vật chất, khó triển khai các thiết bị thí nghiệm giảng dạy…
Cùng tình cảnh, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh năm học 2010-2011 khóa đầu tiên nhưng chỉ tuyển được 20 sinh viên hệ ĐH ở 2 chuyên ngành là công nghệ sinh học - dược học, khoa học công nghệ môi trường và 40 học viên cao học. Năm 2011-2012, trường này cũng chỉ tuyển được 171 sinh viên và học viên cao học. Hiện trường vẫn chưa được bàn giao mặt bằng xây dựng, trong khi thời hạn để Ngân hàng Phát triển châu Á xem xét có tiếp tục thực hiện dự án hay không vào tháng 6 này.
Ngoài ra, các trường ĐH này đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như bộ máy tổ chức điều hành của các trường chưa ổn định, cơ chế tự chủ còn bất cập, kinh phí hoạt động hạn hẹp, việc tuyển chọn đội ngũ giảng viên cơ hữu trong nước còn nhiều khó khăn…
Các ĐH xuất sắc đòi hỏi sự dồi dào về nguồn lực, trong khi mô hình ĐH xuất sắc là vấn đề mới mà Việt Nam chưa từng làm, điều kiện kinh tế còn khó khăn… Do đó, các trường ĐH xuất sắc đang cần chính sách hỗ trợ đặc thù để hoàn chỉnh mô hình trước khi hướng tới mục tiêu về một ĐH đẳng cấp thế giới.
Bình luận (0)