Nhiều chuyên gia giáo dục cho biết giảng dạy liên môn, tích hợp đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Thế nhưng, cách làm của họ khác chúng ta. Họ làm theo lộ trình cuốn chiếu, từ bậc học thấp đến cao hơn. Trong khi đó, Việt Nam lại muốn đồng bộ ở tất cả cấp học nhưng chưa chuẩn bị kỹ mọi điều kiện.
Mỗi giáo viên “tích” một kiểu
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp, TP HCM cho rằng không nhất thiết phải chờ đến khi tất cả điều kiện đều chín muồi, chúng ta mới bắt đầu dạy tích hợp. Vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không nên ôm đồm, muốn trong một thời gian phải hoàn thành ngay, phải hiệu quả ngay. “Bộ để cho giáo viên tự soạn bài, ai thích đưa kiến thức gì thì đưa, mà không có sự bàn bạc, thống nhất với nhau thì chỉ như sự ghép nối đơn thuần, khiên cưỡng” - vị này nhận xét.
Theo ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Quang Trung - Nguyễn Huệ (TP HCM), dạy tích hợp, liên môn chắc chắn là nên làm nhưng để tích hợp hiệu quả, tất cả các khâu - từ đào tạo giáo viên đến chương trình, đề thi - phải cân nhắc rất kỹ; nếu không, mỗi giáo viên “tích” một kiểu thì không ổn. Ngoài ra, cần thống nhất tích hợp giữa các môn như thế nào và tích hợp đến đâu. Nhiều nước chỉ yêu cầu tích hợp một số nội dung cơ bản, sau đó cho giáo viên và học sinh thoải mái lựa chọn các chủ đề trong rất nhiều chủ đề tích hợp khác để dạy và học.
“Quan trọng nhất là khâu kiểm tra, thi cử. Bộ GD-ĐT nên nói rõ việc thi cử theo hình thức học liên môn tích hợp sẽ thế nào? Với các bậc học thấp, việc kiểm tra thì đơn giản nhưng ở THPT thì cụ thể ra sao?” - ông Đại đề xuất.
Ông Đại cho rằng nếu đã dạy liên môn, tích hợp thì giáo viên chấm thi phải có quyền quyết định. Khi chấm bài, người thầy thấy học sinh lý luận đúng quan điểm của mình - có thể quan điểm đó không trùng với đáp án - thì vẫn cho đạt yêu cầu. Một khi đáp án cứ yêu cầu phải đầy đủ thì tội cho học sinh, bởi tích hợp không chỉ là liên kết kiến thức của các môn mà còn dạy cho học sinh phương pháp nghiên cứu, xử lý các tình huống, phân tích những vấn đề khác nhau trên nền kiến thức cơ bản.
Trước hết phải cải tiến chương trình, SGK
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng cải tiến chương trình và sách giáo khoa (SGK) là yêu cầu quan trọng cần thực hiện sớm, trước khi bắt tay vào giảng dạy tích hợp. Ở Pháp, trong môn lý - hóa (chương trình giáo dục của Việt Nam tách riêng làm 2 môn), học sinh được học không chỉ các công thức vật lý và hóa học mà còn học ứng dụng của chúng đến sức khỏe của con người ra sao; trường điện từ, áp suất hay các nguyên tố ảnh hưởng đến con người thế nào… Học sinh được thực nghiệm trên lớp, làm những dụng cụ như radio hay vi mạch điều khiển tự động ở mức đơn giản.
Theo ông Nghĩa, học sinh phổ thông theo hướng học nghề của Pháp được tiếp cận với máy móc công nghiệp hiện đại, như các máy để chế tạo và sửa chữa ô tô. Ở các trường thực nghiệm, 3 môn lý - hóa, sinh vật và công nghệ được tích hợp thành một môn hỗn hợp kiểu “khoa học và công nghệ”. Cách tiếp cận môn toán và các môn khoa học khác đã bắt đầu mang tính nghiên cứu: đặt vấn đề, suy luận, đặt các giả thuyết, làm thí nghiệm trên các ví dụ, viết ra phương trình thích hợp, tính toán tìm lời giải, kiểm tra lời giải, trình bày và thông báo kết quả… Ở môn công nghệ, học sinh được học các phương pháp và kiến thức để hiểu và sử dụng được một số máy móc phổ biến do con người tạo ra nhằm phục vụ những nhu cầu khác nhau. Tóm lại, nội dung các chương trình môn học và cách tổ chức môn học tiếp cận sát thực tế, đưa học sinh đến gần cuộc sống hơn.
Một giáo viên Trường THPT Marie Curie (TP HCM) đánh giá không phải giáo viên không biết cách dạy tích hợp mà Bộ GD-ĐT cần nói rõ tích hợp mức độ nào, cần những phương tiện giảng dạy gì, chứ không phải cứ na ná nhau là tích hợp. Việc giáo viên tự soạn chủ đề tích hợp trong khi còn chưa hiểu môn này cần tích hợp gì, môn khác tích hợp cùng thì ra sao, thì chỉ là cách làm chắp vá.
“Nếu chưa có tài liệu về tích hợp thì cần những hướng dẫn cụ thể. Đội ngũ biên soạn tài liệu liên môn, tích hợp cũng phải hùng hậu, được chọn lựa kỹ càng, có sự thống nhất; các nhà khoa học kiểm định có phù hợp với năng lực, trình độ học sinh hay không thì chúng tôi mới tâm phục khẩu phục” - giáo viên này bày tỏ.
Cần nhiều bộ sách
Ông Ngô Tương Đại cho biết cái khó của tích hợp, liên môn hiện nay là chúng ta đang chỉ có một bộ SGK. Trong khi đó, ở các nước, gần nhất là Singapore, họ chấp nhận nhiều bộ SGK, nhiều chủ đề tích hợp do nhiều tác giả biên soạn. Họ chỉ yêu cầu một chương trình khung cơ bản, giáo viên chỉ cần dạy phần cơ bản, còn thời gian sau đó được tùy chọn loại sách, chủ đề để dạy và giúp học sinh thảo luận.
Bình luận (0)