Không ai có thể phủ nhận được vai trò của môn ngữ văn trong việc bồi dưỡng tâm hồn, trí tưởng tượng, cảm xúc và tư duy trừu tượng cho học sinh. Và dĩ nhiên, trong việc dạy văn, việc lựa chọn khai thác, định hướng, tiếp cận các tác phẩm văn học là một trong những cách thức hợp lý và hữu ích. Tuy vậy, dường như “liều thuốc” này đã bị lạm dụng quá nhiều và tiêm quá mạnh tay, vô tình đòi hỏi học trò phải cố “gồng mình” để biến thành những nhà phê bình văn học bất đắc dĩ.
Quy đồng về mẫu số đáp án
Các thế hệ học trò và giáo viên đã quá ngán ngẩm những lối viết khuôn sáo đại loại như: với biện pháp điệp ngữ tài ba, nhà thơ muốn nhấn mạnh một ý cao siêu nào đó; hay bằng việc sử dụng từ láy, tác giả bộc lộ sắc thái gì?... Thầy cô khai thác từng từ, từng dấu chấm câu để đúc kết ý nghĩa theo công thức quy trình “đi từ nghệ thuật đến nội dung”. Và rồi trong kiểm tra đánh giá, học sinh lại trở thành những chú robot sao chép những mẫu chung ấy. Xét đến cùng là mổ xẻ, là chiết tự để quy đồng về một mẫu số đáp án. Lối dạy văn mà mấy chục năm nay ta theo đuổi là lối định hướng kỹ thuật viết như một nhà phê bình văn học. Thế nhưng, đó chỉ là sự mô phỏng, học sinh hoàn toàn bị triệt tiêu mất tư duy độc lập và khả năng xúc cảm cá nhân.
Đành rằng thông qua quá trình tiếp cận tác phẩm theo kiểu này, người học ít nhiều sẽ được bồi đắp cảm xúc, tâm hồn. Thế nhưng, dạy văn là phải dạy cho các em có khả năng suy luận và diễn đạt độc lập. Các em phải ý thức được mình đang viết gì và làm chủ ngòi bút. Dù trên nguyên tắc các nhà biên soạn, các giáo viên luôn khuyến khích những cách cảm thụ mới mẻ song điều đó là không có cơ sở bởi tất cả đã được định khung, ví thử một em học sinh nào đó chỉ nắm bắt một tứ thơ, một khía cạnh mà bỏ qua tính chất toàn diện dàn đều theo khung mẫu thì ắt hẳn bài viết sẽ bị cho là lạc đề hoặc lan man, lỏng lẻo.
Cần liên tưởng, cảm thụ
Văn học là một bộ phận trong bức màn văn hóa. Ngoài chức năng thẩm mỹ, trong cuộc sống hôm nay nó còn phải là môn học công cụ, giúp người học trui rèn tư duy ngôn ngữ, bồi đắp nền tảng văn hóa và kỹ năng giao tiếp xã hội linh hoạt, nhạy bén, văn minh. Mà điều này không thể chỉ khoanh vùng trong kho tàng của các tác phẩm hư cấu.
Văn học phải đi từ ngôn ngữ, từ ngôn ngữ mở chạm đến văn hóa và giao tiếp. Đối với các học sinh chuyên văn hay sinh viên chuyên ngành, việc khai thác tác phẩm theo lối đào sâu cấu trúc là điều hiển nhiên cần thiết. Nhưng với môi trường phổ thông, giáo dục nên lựa chọn một triết lý và quan niệm phù hợp về môn học này để giúp người học được cung cấp những kỹ năng cơ bản nhất và giao tiếp, văn hóa, sử dụng văn như một công cụ để thâm nhập vào phạm vi khoa học xã hội và nhân văn nói chung.
Do đó, không nên dạy văn theo tiến trình lịch sử rất nặng nề. Chỉ nên lựa chọn chấm phá những tác phẩm phù hợp để từ đó mở ra toàn cục qua các bài tiểu dẫn, xác định vị trí, bối cảnh thời đại tác phẩm. Một học sinh phổ thông không cần phải bị nhồi nhét toàn bộ lịch sử tiến trình văn học qua các bài khái quát hàn lâm nặng nề. Mà trên thực tê,́ trừ học sinh chuyên văn, các em hoàn toàn xa lạ và hững hờ với những bài khái quát đó. Vẫn có thể cho các em có một cái nhìn tổng quan nhưng mức độ phải nhẹ nhàng hơn hiện nay và nên khéo xen lồng, giới thiệu.
Có nhiều loại văn bản ngoài tác phẩm hư cấu có giá trị thực tiễn cần được đưa vào giới thiệu, định hướng, đặc biệt là lối văn đề cao tính hùng biện, tranh luận các vấn đề của đời sống. Còn đối với tác phẩm văn học thuần túy, chúng ta nên định hướng theo tinh thần lấy văn học tiếp nhận là trung tâm của quá trình đối thoại. Một người thầy dạy văn tinh tế không bao giờ hỏi học trò “qua chi tiết x y z, nhà văn muốn nói gì” mà sẽ diễn đạt rằng “qua chi tiết x y z, em hiểu được vấn đề gì”.
Nói như tinh thần của đề thi quốc gia môn ngữ văn năm nay, hình tượng văn học được sinh ra trong tâm trí nhà văn nhưng nó tồn tại, định hình và có những hình sắc riêng trong tâm tưởng bạn đọc. Với môn văn phổ thông, những đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật viết hay cấu trúc thẩm mỹ nên được giản lược qua mà ta chú trọng đến quá trình liên tưởng, cảm thụ, lý giải và đối thoại của học trò với tư cách là người đọc tác phẩm.
Các nhà biên soạn, giáo viên luôn khuyến khích những cách cảm thụ mới mẻ, song điều đó là không có cơ sở bởi tất cả đã được định khung. Một học sinh nào đó chỉ nắm bắt một tứ thơ, một khía cạnh mà bỏ qua tính chất toàn diện dàn đều theo khung mẫu thì ắt hẳn bài viết sẽ bị cho là lạc đề...
Bình luận (0)