Trường ĐH Tôn Đức Thắng - một trong những trường ĐH thực hiện tự chủ
Xuyên suốt trong các điều của Luật số 34 chính là tính tự chủ cho các cở sở giáo dục ĐH trong những vấn đề như nhân sự, tài chính, chuyên môn,...
Với Luật số 34, các cơ sở ĐH được tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để hội đồng trường (HĐT) có thực quyền trong việc: quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn các chức danh quản lý. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của HĐT; hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị quyết định (trực tiếp quyết định, bổ nghiệm, miễn nhiệm). Về tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định: nếu không sử dụng ngân sách, cơ sở giáo dục ĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
Theo quy định, các cơ sở ĐH được tự chủ cao về hoạt động chuyên môn. Trong đó, có việc được tự chủ mở ngành, tự chủ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học - công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường, Luật số 34 cũng yêu cầu các trường phải thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch về các vấn đề được tự chủ trước xã hội.
Tuy Luật số 34 có hiệu lực nhưng nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa được ban hành.
Bình luận (0)