Chị N., một phụ huynh ở TP Hà Nội, cho biết con trai chị đang bước vào độ tuổi dậy thì. Trước đây, bé khá lanh lợi, hay nói hay cười và dễ giao tiếp với mọi người nhưng thời gian gần đây lại có những biểu hiện khác lạ.
Cha mẹ thiếu tế nhị, trẻ tổn thương
Rồi một ngày, kiểm tra điện thoại của con, chị N. tá hỏa khi phát hiện bé tham gia nhiều nhóm chat kín, trao đổi những nội dung không lành mạnh, đăng nhập những trang web "đen".
Một bà mẹ khác tên T. ở TP HCM cũng có con gái ở độ tuổi "sớm nắng chiều mưa". Chị nói con trai mới lớn đã khó hiểu rồi, con gái còn phức tạp hơn gấp nhiều lần. Bé tỏ ra bất hợp tác; mỗi lần chị hỏi chuyện, bé chỉ ậm ừ, đôi khi còn cáu gắt, bảo chị đừng quan tâm nhiều quá đến cuộc sống riêng của nó. Là một người mẹ đơn thân, một mình sinh con ra và nuôi con khôn lớn đến tận bây giờ, những lời nói đó làm chị tổn thương.
Không thể trò chuyện cùng con, chị T. tạo một tài khoản trên mạng xã hội, đăng ký làm thành viên các nhóm mà con tham gia. Chị không thể tin khi đó là những nhóm trong cộng đồng LGBT.
Tịch thu hoặc đập điện thoại, cấm con vào mạng xã hội là những biện pháp mà người lớn thường dành cho trẻ khi rơi vào những trường hợp này. Trong cơn nóng giận khó kiềm chế, nhiều phụ huynh còn đánh mắng hay quản thúc con. Rất ít người giữ được bình tĩnh để ngồi lại trò chuyện, phân tích đúng - sai. Thậm chí, họ còn rêu rao trên mạng xã hội hoặc đem kể cho người khác, lấy lý do là cảnh báo cho mọi người.
ThS Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia tâm lý tại Công ty Cổ phần Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt (TP HCM), cho rằng những hành động trên hết sức thiếu tế nhị, làm tổn thương tinh thần con trẻ. Việc trẻ trong độ tuổi này tò mò về giới tính không sai, quan trọng là phải làm sao hướng trẻ tìm hiểu và hành xử một cách thích hợp.
"Nói về giáo dục giới tính thì hầu như không có cha mẹ nào có đủ trình độ để trò chuyện cùng con vì nhiều nguyên do. Thứ nhất, họ xem tình dục là chủ đề cấm kỵ; thứ hai, họ cảm thấy không tự nhiên khi trò chuyện về tâm sinh lý; thứ ba: chính bản thân họ cũng không có kiến thức đầy đủ về giới tính. Vì vậy, biện pháp duy nhất họ áp dụng là ngăn cấm. Tôi còn biết nhiều phụ huynh còn lắp camera trong phòng riêng của con, lấy lý do là để dễ kiểm tra sinh hoạt hằng ngày. Tôi tuyệt đối không đồng tình với phương pháp này và yêu cầu cha mẹ tháo camera ngay lập tức" - ThS Nguyễn Thị Tâm nhấn mạnh.
Cha mẹ cần đồng hành với con trong giai đoạn các em rất dễ nhạy cảm về giới tính. Ảnh: UNICEF VIỆT NAM
Giáo dục giới tính từ cấp tiểu học
Trong buổi trò chuyện với chủ đề "Khi trẻ không còn niềm tin vào cha mẹ" mới đây, PGS-TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng niềm tin giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ hai chiều.
"Trong trường hợp trẻ đang trong sự bao bọc, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ bỗng một ngày cảm thấy niềm tin bị đổ vỡ và thần tượng - là cha mẹ - bị sụp đổ thì sẽ dẫn đến những tác hại và nguy hiểm khôn lường" - bà Hồng dẫn chứng.
Theo ThS Nguyễn Thị Tâm, giáo dục gia đình có sức ảnh hưởng lớn nhất. Sáu năm đầu đời của một con người là rất quan trọng, song nhân cách của cá nhân được định hình từ khi sinh ra cho đến lúc dậy thì. Khi đó, phụ huynh đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp "trồng người". Nếu cha mẹ không đồng hành cùng con thì sẽ tạo nên khoảng cách thế hệ vô cùng lớn, trẻ dễ bị lôi kéo vào con đường xấu.
Theo ThS Tâm, việc giáo dục giới tính trong trường học hiện nay rất hạn chế, còn mang nặng tính hình thức và thành tích. Cần thiết phải giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ cấp tiểu học vì các em bây giờ phát triển rất sớm do môi trường và chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, phải đưa cả kiến thức về giới LGBT vào giảng dạy ở các cấp học cao hơn. Mục đích là để trẻ có nhận thức chính xác về LGBT, hiểu rõ chính mình, không bị lôi kéo bởi những thành phần xấu; bản thân trẻ LGBT cũng sẽ được tôn trọng, được công nhận là bình thường trong xã hội, không bị bạn bè và những người xung quanh dè bỉu, khinh miệt.
"Bản thân cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái, "nói đi đôi với làm" chứ không chỉ là những lời nói suông hay áp đặt, bạo lực lên con trẻ. Đó là cách để cha mẹ tạo niềm tin với con, định hướng cho con lối sống tích cực, đúng đắn và tránh bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ" - PGS-TS Lê Thị Bích Hồng nhấn mạnh.
Số điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em
Liên quan vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kêu gọi cộng đồng, các bậc phụ huynh và các em nhỏ hãy liên lạc với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khi phát hiện những video clip có hình ảnh, nội dung không lành mạnh, có dấu hiệu sai phạm về trẻ em để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Bình luận (0)