Phần chung là phần kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn với chương trình nâng cao và thường có hai loại, gồm: câu hỏi kiểm tra kiến thức về giai đoạn, tác giả, tác phẩm (2/10 điểm) và viết bài nghị luận xã hội ngắn (400 từ với đề thi tốt nghiệp THPT và 600 từ với đề thi ĐH - CĐ; 3/10 điểm).
Phần riêng của đề là phần nghị luận văn học (5/10 điểm). Thí sinh chỉ được chọn một trong hai câu hoặc theo chương trình chuẩn hoặc theo chương trình nâng cao. Các dạng đề nghị luận văn học rất phong phú. Một số dạng đề tiêu biểu là: phân tích tình huống truyện, cảm nhận về một chi tiết đặc sắc; phân tích, cảm nhận đoạn trích; phân tích một vấn đề nội dung (giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực) hay nghệ thuật của tác phẩm; phân tích một nhân vật hay một hình tượng văn học.
Nếu gặp dạng đề cảm nhận hay phân tích hai hiện tượng văn học cùng lúc, thí sinh cần thực hiện thao tác so sánh để chỉ ra sự tương đồng và khác biệt về nội dung, nghệ thuật và phong cách riêng của từng tác giả trong hai hiện tượng văn học đó. Lưu ý là đề thi tốt nghiệp THPT kiến thức chỉ tập trung trong chương trình lớp 12 nhưng đề thi ĐH - CĐ thì kiến thức bao gồm cả một phần chương trình lớp 11 (chủ yếu văn học giai đoạn 1930-1945).
Bài thi môn văn cần trình bày sạch sẽ, mạch lạc, bố cục đầy đủ, rõ ràng; tránh sai lỗi chính tả và lỗi về kiến thức văn học sử; tránh cẩu thả, sơ lược khi viết mở bài và kết luận của bài văn nghị luận; nghị luận văn học nên biết kết hợp kiến thức văn học sử, lý luận văn học với kiến thức về từng tác giả, tác phẩm cụ thể.
Thời gian làm bài sẽ là 150 phút (với đề thi tốt nghiệp THPT) và 180 phút (với đề thi ĐH - CĐ). Thí sinh cần phân bố thời gian hợp lý, dành thời gian phân tích đề và lập đề cương sơ lược (xác định luận điểm, luận cứ và luận chứng).
Bình luận (0)