Chạm vào giấc mơ con chữ là điều kỳ diệu, trở thành người gieo hạt trên bục giảng vương phấn trắng là vết son rạng rỡ nhất cuộc đời tôi.
Tôi nhớ cô giáo trường làng gom giấy vở thừa dạy bé con thiếu ăn thiếu mặc nét chữ đầu tiên. Bài học vỡ lòng tuôn trào dòng suối mát trong của một nhà giáo lặng thầm gửi ước mơ đến trường cho đàn trẻ xóm nhỏ…
Thầy Nguyễn Văn Thật (phải) khi còn trẻ. Nay thầy đã về hưu, hiện sinh sống ở quê nhà Quảng Bình (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tôi nhớ cô giáo chủ nhiệm lớp 2 gọi học sinh chưa nộp đủ các khoản tiền lên hỏi lý do. Nghe trò lí nhí thưa cha mẹ không có tiền, cô sững người và chạnh lòng. Lấy ví đếm vẫn không đủ, cô liền sang phòng bên một lát rồi quay lại với gói tiền trong tờ giấy vở, dúi vào tay trò: "Cô cho"…
Tôi nhớ cô giáo dạy văn mở lớp kèm học trò ở nhà. Ngày ngày tôi ôm bọc ni-lông đựng vở đi bộ vượt đường xa sang nhà cô, tập viết mở bài, tập tìm dẫn chứng, tập lập luận xây câu dựng đoạn. Học 2 năm mà tiền đóng thiếu hoài, song "con nợ" vẫn ung dung ngồi học trong sự bao dung của cô…
Tôi nhớ những người thầy dưới mái trường sư phạm cần mẫn uốn rèn tri thức lẫn vun bồi trái tim cho bạn trẻ. Và, cả cô thủ thư thương tụi nhỏ hiếu học cứ dấm dúi cho mượn nhiều hơn 2 quyển sách theo quy định rồi nháy mắt cười khi học trò trả sách trễ hẹn…
Tôi nhớ thầy giáo Nguyễn Văn Thật, người truyền lửa trên bục giảng cho cô giáo sinh chân ướt chân ráo vừa rời giảng đường sư phạm tập tành bước những nấc thang đầu tiên trên hành trình gieo hạt trồng người. Nơi mái trường xa tít tắp phía hữu ngạn con sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) hiền hòa đã dưỡng nuôi một tâm hồn mướt xanh chạm vào giấc mơ phấn trắng.
Thầy không dạy tôi đèn sách 12 năm phổ thông, cũng chẳng đứng trên cương vị của giảng viên truyền đạt tri thức, vun bồi năng lực cho giáo sinh. Thầy là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn công tác tại Trường THCS Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhận dạy dỗ đứa học trò tập sự làm nhà giáo. Thầy còn là "cây đa cây đề" trong tổ nghiệp vụ bộ môn văn của Hương Trà nên có cả "kho báu" kiến thức, kinh nghiệm.
Tôi có tính ham học hỏi nên cứ "thầy ơi...", "thầy ơi thầy..." mỗi khi gặp vướng mắc, trở ngại. Bài này dạy thế nào cho dễ hiểu, bài kia triển khai hoạt động nhóm hay thực hiện cá nhân…, tôi đều nhờ thầy góp ý và định hướng.
Chẳng đếm nổi bao lần thầy ngồi ở cuối lớp dõi mắt theo đồng nghiệp trẻ - cô học trò nhỏ chinh phục bài giảng, ghi chép và đưa ra đánh giá chỉn chu, nhận xét chí lý. Lạ là hàng ghế dự giờ dưới lớp đông đến đâu, tôi vẫn nhìn về phía thầy, bởi tôi tin tấm lòng của một người thầy - người cha sẽ chở che, dìu dắt mình. Tôi nhận được sự chỉ bảo tận tình của một người thầy dày dạn kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, quản lý tổ chuyên môn.
Bao năm vừa là đồng nghiệp vừa là học trò của thầy, bao lần tôi nhận được sự trợ giúp quý giá bởi những tình huống sư phạm bất ngờ. Khi mọi người chăm chú nhìn từng biểu hiện của giáo viên đứng lớp để "vạch lá tìm sâu" hòng đưa ra nhận xét căng thẳng sau tiết dạy, thầy điềm tĩnh giúp tôi đối phó với đơn vị kiến thức còn nhập nhằng đúng - sai, ứng biến với những phát sinh.
Biển kiến thức mênh mông, thực tiễn giảng dạy bạt ngàn lối rẽ, không ai tài giỏi bao quát được tất thảy. May mắn là những lóng ngóng, vụng về, thiếu sót của tôi trên bục giảng luôn được thầy điều chỉnh bằng hành động gật đầu đồng tình hoặc lắc đầu phản bác từ hàng ghế dự giờ cuối lớp. Tôi biết ơn vô cùng tấm lòng của người thầy đi trước chưa bao giờ từ chối cơ hội giúp đồng nghiệp trẻ trưởng thành.
Thầy vẫn hay khen chuyên môn của tôi ở đâu đó, chứ còn nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy của tôi được thầy đánh giá khá nghiêm khắc. Tôi bằng lòng và hài lòng với những giờ dạy xếp loại khá từ thầy, bởi "uốn cây từ thuở còn non", nghề giáo cần rèn giũa, nhờ đó mà động lực phấn đấu, sáng tạo cho bài giảng chưa bao giờ hao hụt.
Rồi tôi vỡ òa sung sướng khi nhận điểm 18 (thang điểm 20) với xếp loại giỏi từ thầy. Ngạc nhiên vô cùng, tôi dò hỏi người cho điểm cao. Thầy bảo sổ dự giờ của thầy hiệu trưởng đánh giá tiết dạy đó đến 19 điểm. "Hạnh phúc quá!". Kỷ niệm ngọt ngào đó vẫn vẹn nguyên trong tôi đến tận bây giờ…
Là người lính trải qua bom đạn chiến tranh, vợ chồng thầy rời quê hương Quảng Bình vào Huế cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Thầy đã thắp lên ngọn lửa văn học cho nhiều thế hệ học sinh nơi mảnh đất nghèo mà hiếu học. Học trò của thầy giờ đã là mẹ, là cha, đưa con trẻ đến trường gặp thầy giáo cũ vẫn tương kính "thưa thầy…". Thầy truyền cảm hứng cho biết bao giáo sinh về trường tập sự, thổi bùng nhiệt huyết yêu mến và gắn bó với công việc.
Cảm ơn thầy - người "truyền lửa"! Chưa xin phép nhưng hơn chục năm trước, tôi đã trân trọng chép bài thơ của thầy vào sổ tích lũy chuyên môn cá nhân.
Mỗi khi lần giở những trang ký ức, lòng lại bồi hồi nhớ những mùa hoa hạt phấn đầu tiên, nhớ về người thầy với lòng biết ơn, tôn kính: "Trên đời có nhận và cho/ Có vay có trả đừng lo lắng gì/ Nhận là cái nghĩa tương tri/ Cho là cái nghĩa - chẳng vì một ai/ Đời người thật lắm chông gai/ Nhận - cho, cho - nhận dễ ai khó mình/ Sống nhờ ấm áp cái tình/ Sống nhờ biết nhục biết vinh là gì/ Cuộc đời lúc thịnh lúc suy/ Biết cho biết nhận còn gì vui hơn" (bài thơ "Nhận và cho" - sáng tác của thầy Nguyễn Văn Thật).
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)