Cô giáo bạo hành trẻ tại Trường Mầm non Sen Vàng, Hà Nội đã bị buộc thôi việc, cơ sở mầm non này cũng bị đình chỉ hoạt động vô thời hạn. Tuy nhiên, kết quả xử lý này chưa thể làm giảm bức xúc trong dư luận, nhất là các phụ huynh.
Phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo
Sáng 6-2, tại cuộc họp giao ban với các sở - ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc. Giải trình về vụ việc trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho hay UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo ra quyết định đình chỉ công tác 2 cô giáo. Ông Độ khẳng định vụ việc này sẽ được giải quyết dứt điểm, buộc thôi việc 2 cô giáo đánh học sinh. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng, cho hay đơn vị này đã yêu cầu Trường Mầm non Sen Vàng tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian các cơ quan có thẩm quyền điều tra xử lý vụ việc. “Quan điểm của chúng tôi là cơ sở nào để xảy ra vấn đề bạo lực sẽ xử lý nghiêm nhằm làm gương” - bà Hà khẳng định. Nói thêm về việc học tập đối với số trẻ đang theo học tại đây, bà Hà cho hay sau khi có quyết định, nhà trường đã có thông báo tới từng phụ huynh. Trong thời gian này, các phụ huynh thông cảm, tạm thời tự túc địa điểm sinh hoạt cho con em mình.
Giáo viên dùng dép đánh học sinh mầm non. (Ảnh cắt từ clip)
Trong công văn gửi Sở GD-ĐT Hà Nội ngày 6-2 yêu cầu làm rõ vụ bạo hành trẻ mầm non mà báo chí phản ánh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định hành vi quát mắng, véo tai, dùng dép đánh vào đầu trẻ, dùng nước lạnh vệ sinh cho trẻ... của các cô giáo Trường Mầm non Sen Vàng là “phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ trẻ”. Bà Nghĩa cũng yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra làm rõ vụ việc, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định. Bà Nghĩa cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức rút kinh nghiệm về công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt là việc quản lý, cấp phép hoạt động các nhóm lớp độc lập tư thục. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý về Bộ GD-ĐT trước ngày 10-2.
Tại sao bạo hành trẻ không giảm?
Trả lời câu hỏi tại sao các vụ bạo hành trẻ mầm non liên tục diễn ra dù ngành giáo dục đã có nhiều chỉ đạo, chế tài nghiêm khắc, các giáo viên bạo hành trẻ phần lớn đều mất việc làm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, khẳng định những vụ bạo hành trẻ không thể chấm dứt bởi có 3 nguyên nhân: áp lực công việc, trình độ giáo viên và lương tâm nghề nghiệp. TS Tùng Lâm khẳng định giáo viên mầm non là nghề chịu nhiều áp lực chi phối nhất trong các cấp học. Mức lương của giáo viên mầm non thấp, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Đó là chưa kể đến áp lực từ môi trường sư phạm thiếu dân chủ, người quản lý… khiến giáo viên dễ bị động, lúng túng, dẫn đến làm bừa.
Ông Lâm cũng cho rằng tại các cơ sở mầm non tư thục, nhiều chủ trường, nhóm lớp thường chạy theo lợi nhuận, không chọn lọc giáo viên, tuyển cả những người không được đào tạo hay kỹ năng sư phạm non yếu. “Nhận thức của các cháu mầm non còn non nớt, trong khi các cô giáo thiếu kinh nghiệm thường lúng túng khi đến giờ cháu không ngủ, không ăn, hay khóc lóc. Nhiều giáo viên thiếu kinh nghiệm có thể sẽ bịt miệng, dùng vũ lực để áp chế cho trẻ sợ” - ông Lâm phân tích. Trên thực tế, theo tường trình của các cô giáo Trường Mầm non Sen Vàng, do quá nóng giận, không kiềm chế được bản thân nên đã có những hành vi không đúng chuẩn mực của nhà giáo đối với các cháu.
Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định: “Bên cạnh những cô giáo tận tâm thì còn không ít người thiếu tình thương và không có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng đóng cửa lớp, vứt trẻ bên ngoài hoặc đánh trẻ…”
Bình luận (0)