Vừa qua, do không tìm được tiếng nói chung về mức thu học phí học trực tuyến trong thời điểm nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, phụ huynh các trường dân lập quốc tế tại TP HCM như Trường Dân lập quốc tế Việt Úc (VAS), Trường Song ngữ quốc tế EMASI (quận 7), Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS)... đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND TP, Sở GD-ĐT TP HCM. Sau khi phụ huynh phản ứng quyết liệt, các trường đã có những phản hồi.
Chỗ điều chỉnh, nơi nhập nhằng
Trước phản ánh của phụ huynh về việc VAS thu học phí học trực tuyến quá cao, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ban giám hiệu trường này về hướng xử lý. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời, nhà trường không trả lời từng câu hỏi cụ thể mà chỉ nói chung chung, rằng nhà trường đã tích cực tổng hợp các ý kiến của phụ huynh nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại một cách hợp tình hợp lý nhất, trên tinh thần cùng nhau chia sẻ khó khăn và bảo đảm quyền lợi về giáo dục và chất lượng đào tạo cho học sinh các cấp.
"Chúng tôi luôn nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ GD-ĐT về chính sách học phí không chỉ trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19 mà còn ở mọi thời điểm. Chúng tôi cam kết rõ ràng và minh bạch về chính sách trong việc duy trì hoạt động của nhà trường, cũng như đáp ứng nhu cầu học tập hiện tại của các em học sinh" - văn bản của VAS nêu.
Phụ huynh Trường Song ngữ quốc tế EMASI kéo đến trường yêu cầu làm rõ về học phí vào ngày 5-5
Trong thông tin gửi đến báo chí, Trường Song ngữ quốc tế EMASI cũng chỉ nói nhà trường đã lắng nghe và đón nhận, phản hồi trách nhiệm thông qua các buổi hỏi đáp trực tuyến với ban lãnh đạo trường, các buổi gặp mặt đại diện phụ huynh…
Trong khi đó, trên cơ sở kiến nghị của phụ huynh, bà Seija Nyholm, Hiệu trưởng VFIS, khẳng định nhà trường hoàn lại toàn bộ chi phí ăn và đưa rước cho phụ huynh từ ngày nghỉ dịch đến cuối năm. Đồng thời, nhà trường miễn phí tiền ăn, chi phí đưa rước học sinh từ khi đi học lại đến hết 2 tuần học bù.
Chỉ là thỏa thuận dân sự
Bà Seija Nyholm thông tin thêm VFIS đã có kế hoạch dạy bù 2 tuần cho học sinh và kết thúc năm học vào ngày 26-6. Tuy nhiên, trường sẽ bố trí khóa học hè 3 tuần miễn phí cho các em, bắt đầu từ ngày 13 đến 31-7. Trong thời gian này, trường sẽ dạy các môn chính khóa mà trong quá trình học trực tuyến các em không nắm hết được kiến thức như: toán, tiếng Anh, STEM, âm nhạc... với giờ học bắt buộc 30 tiết/tuần.
Sở dĩ nhà trường không cho các em học bù liên tục vì đối với học sinh tiểu học, việc học trực tuyến và kéo dài đã rất mệt, các em cần một khoảng nghỉ để tái tạo lại năng lượng, sau đó học tiếp sẽ hiệu quả hơn. Nếu 205 học sinh của trường tham gia khóa học hè, trường sẽ không nhận thêm học viên ngoài, chỉ tập trung dạy kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh của trường. Trong thời gian học hè sẽ là chương trình đơn ngữ, do những giáo viên Phần Lan và nước ngoài đứng lớp.
"Ban giám hiệu sẵn sàng lắng nghe mọi tâm tư của phụ huynh, giải quyết từng thắc mắc để cùng nhau hướng đến giá trị giáo dục chất lượng. Nhà trường sẽ có buổi đối thoại với phụ huynh vào ngày 8-5 theo yêu cầu của phụ huynh" - bà Seija Nyholm bày tỏ.
Trả lời câu hỏi vì sao có trường chủ động điều chỉnh việc thu học phí nhưng có trường vẫn nhập nhằng, muốn giữ phương án thu như ban đầu, TS Trần Vinh Dự, chuyên gia giáo dục, nói rằng việc đóng học phí ở mức nào và giảm phí ra sao là thỏa thuận dân sự giữa trường và phụ huynh, cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp.
Cũng theo ông Dự, trường hợp nghỉ do dịch bệnh cũng có thể được xem là bất khả kháng, dù học sinh không đến trường nhưng nhà trường vẫn trả một phần phí để duy trì trường. "Nói như vậy không có nghĩa là nhà trường được quyền tùy chỉnh mức thu, mức giảm mà phải dựa vào thỏa thuận với phụ huynh để cùng đưa ra một mức đóng phù hợp cho cả hai bên. Trong trường hợp hai bên không thể đạt được thỏa thuận thì phụ huynh có thể khởi kiện ra tòa" - ông Dự nói.
Ông Lưu Đức Quang, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cũng cho rằng đây là quan hệ dân sự giữa nhà trường và phụ huynh, hai bên ngồi lại thỏa thuận với nhau nhằm đưa ra phương án thống nhất, nếu không được thì có thể kiện ra tòa. Trong tình huống này, tòa có thể ra hai phán quyết, một là chấm dứt hợp đồng, hai là thay đổi hợp đồng.
Bộ GD-ĐT không thể can thiệp
Theo ông Lưu Đức Quang, phụ huynh kiến nghị lên Bộ GD-ĐT, UBND TP HCM, Sở GD-ĐT TP HCM có thể chưa đúng hướng. Bởi đó là các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính chỉ có thể can thiệp về mặt quản lý giáo dục, bằng cấp, chương trình học..., còn việc thỏa thuận về học phí là vấn đề dân sự, không thể can thiệp.
Bình luận (0)