icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Máy bay vam-1: Cũ hay mới?

Thời gian qua, xung quanh chiếc máy bay VAM-1 đã có rất nhiều thông tin khác nhau trong giới hàng không và khoa học. Báo NLĐ phỏng vấn ông Phạm Duy Long, người tham gia từ đầu đề án chế tạo máy bay siêu nhẹ VAM-1, cũng là người trực tiếp lái thử nghiệm chiếc máy bay VAM-1 ngày 28-3 tại sân bay Phước Long, để mở rộng thông tin cung cấp cho bạn đọc

* Phóng viên: Thưa ông, là người trực tiếp tham gia từ đầu đề án VAM-1, xin ông cho biết quá trình làm ra VAM-1?

- Ông Phạm Duy Long: Làm ra máy bay VAM-1 là một phần công việc trong đề án máy bay nhỏ do Hội Cơ học chủ trì. Theo đề án có ba bước: Cử người sang học ở nước ngoài về lái máy bay và tiếp cận kỹ thuật máy bay siêu nhẹ; mua vật liệu trang thiết bị về VN chế tạo một chiếc tương tự VAM-1; đưa vào ứng dụng và sản xuất hàng loạt loại máy bay này và nghiên cứu sản xuất loại 4 chỗ ngồi. Do vậy, ở bước đầu Hội Cơ học đã cử 3 người sang Canada (Canada được vì có sự phát triển mạnh về máy bay nhỏ) gồm: Vimar Nguyễn, tôi và Phan Bá Trác để học lái máy bay và tiếp cận kỹ thuật máy bay siêu nhẹ. Tôi đã hoàn thành việc học lái máy bay và được cấp chứng chỉ phi công tại Transport Canada (Cơ quan Quản lý phi công của Canada) với số hiệu PU797286 vào ngày 12-6-2003. Chứng chỉ phi công này có giá trị với tất cả máy bay nhẹ. Để tiếp cận kỹ thuật máy bay nhẹ, chúng tôi đã phải xin vào chân rửa máy bay để tìm hiểu và học tập. Chúng tôi đã mua bộ kít máy bay và các nguyên vật liệu khác (có cả việc đến các kho chứa máy bay cũ tìm lựa lại các vật liệu bọc bên ngoài để cho đỡ tốn tiền) về ráp thử: làm khung, bọc đuôi, bọc cánh, lên bệ máy, làm càng đáp trên nước. Chỉ riêng bộ khung cơ bản đã mất 300 giờ. Sau khi lắp ráp chúng tôi đã tiến hành bay thử với sự trợ giúp của 2 phi công và một thợ máy kỹ thuật cao. Ngày 25-6 -2003, máy bay được đăng ký tại Canada với số hiệu CIBUN và đã bay thử với phi công là hiệu trưởng trường Airflow Aviation.

* Theo Cục Hàng không dân dụng, VAM-1 chưa được giải thích nguồn gốc. Trong khi đó, những người tham gia đề án máy bay nhỏ lúc thì nói “chế tạo”, lúc khác lại nói là “lắp ráp” và rồi lại nói “cải hoán”. Theo ông, nói như thế nào mới là chính xác?

- Chế tạo máy bay là một việc làm nghiêm túc và phải có sự tiếp cận kỹ thuật chứ không đơn giản như chế tạo xe máy. VAM-1 là chiếc máy bay được “hoán cải”. Tuy nhiên, đến những chiếc VAM-2, VAM-3 có thể nói là chế tạo vì tại xưởng của chúng tôi đã hoàn thành 90% công việc của chế tạo VAM-2.

* Xin ông cho biết rõ hơn?

- VAM-1 khi làm ở Canada là để đáp trên sân cỏ còn khi về VN thì sân đáp là bê tông nên chúng tôi đã sửa chữa và thay đổi lại thiết kế. Đó là, thay đổi kết cấu vì phi công nhẹ hơn, độ ẩm ở VN khác Canada, gắn thêm thắng, thiết kế càng đáp để giảm xốc, chuyển hệ thống lái đồng bộ từ mềm sang cứng, chế thêm bánh thay cho càng phao (dự định ban đầu là dùng càng phao để đáp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long). Thiết kế lại để VAM-1 có thể cất cánh với đường băng 60 m với độ tĩnh không tốt (đầu và cuối đường băng không có nhà cao 4-5 tầng) so với ở nước ngoài là đường băng 300 m.

* Có ý kiến cho rằng VAM-1 là máy bay cũ bán sang tay 4 đời chủ rồi mới đưa về Việt Nam. Thông tin đó theo ông đúng không? Ông có giữ bằng chứng gì để phản bác lại ý kiến trên?

- Đối với tôi, VAM-1 là mới vì tôi là người trực tiếp làm từng ống nhôm, từng chi tiết, thiết bị nên tôi biết. Các thiết bị như bảng điều khiển của phi công chưa hề đục lỗ, kiếng chưa bóc tem. Tuy nhiên, chuyện đáng buồn là những chứng cứ đưa ra cho rằng VAM-1 qua 4 đời chủ thì không có ngày tháng, con số cụ thể, không có số sườn số máy nhưng lại được quan tâm. Trong khi đó, chúng tôi trình giấy tờ mua thiết bị lên cấp trên với con số cụ thể, có số sườn số máy rõ ràng thì không được ai quan tâm, xem xét. Một máy mới có đồng hồ hiện số giờ sử dụng để người sử dụng có thể biết đúng giờ để thay nhớt. Hiện nay, số giờ hiện trên máy của VAM-1 là 8 giờ. Đề án máy bay nhỏ khi tiến hành đều có xin phép và có văn bản đồng ý của Chính phủ cho thực hiện.

* Hướng sắp tới của các ông về máy bay nhỏ?

- VAM-2 đang làm nhưng tạm ngưng vì chưa thấy được tương lai sáng sủa. Sau ngày 30-4, nếu không thấy tương lai sáng sủa thì ông Vimar Nguyễn sẽ xin đem máy bay ra nước ngoài.

SONG KIM thực hiện

---------------------------------------

Giáo sư - viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam:

Máy bay cũ là thông tin hoàn toàn sai

Thông tin từ Cục Hàng không Dân dụng cho rằng VAM-1 là máy bay cũ trải qua 4 đời chủ là thông tin hoàn toàn sai. VAM-1 được ráp từ thiết bị, động cơ và nguyên vật liệu mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục xin phép được bay và chuyển sang nghiên cứu tiếp VAM-2.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Điều hành đề án “Chế tạo thử nghiệm máy bay nhỏ”:

Xem ngày giờ lắp ráp là rõ nhất

VAM-1 là máy bay cũ đã trải qua 4 đời chủ là thông tin sai, bôi nhọ và xuyên tạc. Chúng tôi đề nghị Chính phủ và cơ quan chức năng xác minh và làm rõ. Tất cả công việc chúng tôi làm về máy bay nhỏ đều có trình Chính phủ và được Chính phủ giao trách nhiệm thực hiện. Những người thực sự có thiện chí muốn biết máy bay mới hay cũ đều có thể lên tận nơi chúng tôi làm máy bay để xem động cơ, kết cấu, ngày sản xuất, số xê-ri máy là rõ nhất chứng minh máy bay mới hay cũ. Đưa thông tin như vậy là thông tin thất thiệt và ý đồ không tốt cho khoa học Việt Nam.

K.Oanh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo