xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mệnh lệnh từ cuộc sống

Hoàng Tụy

Cải cách giáo dục toàn diện, triệt để là mệnh lệnh của cuộc sống nhằm tạo lập hệ thống giáo dục lành mạnh, trung thực, hiện đại. Trên nền tảng ấy, nhân tài mới nảy nở và phát triển

Chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của nhân tài trong đời sống kinh tế, văn hóa, khoa học của đất nước. Càng đi lên văn minh trí tuệ, càng đi vào kinh tế tri thức, nhu cầu nhân tài càng bức thiết thì cuộc chiến giành giật nhân tài giữa các quốc gia, giữa các tập đoàn kinh tế lớn càng trở nên quyết liệt.

Trong thế giới phẳng ngày nay, gốc gác, quê hương thật sự không còn là trở ngại lớn cho việc thu hút nhân tài. Theo lẽ tự nhiên đất lành chim đậu, ở đâu có điều kiện phát triển tốt thì nhân tài hội tụ về đó. Cho nên, những nước phát triển đã sẵn điều kiện thuận lợi để sản sinh nhân tài lại càng dễ thu hút nhân tài từ khắp nơi, đặc biệt là từ các nước kém phát triển.

Trong tình hình đó, một nước còn nghèo như Việt Nam phải có quyết tâm rất cao và phải huy động toàn lực tài trí mới mong khắc phục được cái vòng luẩn quẩn khắc nghiệt: nghèo thì khó sản sinh, khó thu hút, khó giữ được nhân tài; mà đã ít nhân tài, lại không thu hút, không giữ nổi nhân tài thì cứ nghèo mãi, cuối cùng đành an phận với cảnh lạc hậu vô thời hạn.

Do vậy, bàn về nhân tài, trước hết cần trả lời nghiêm túc những câu hỏi quan trọng sau đây: Tại sao ta có ít nhân tài? Tại sao nhân tài của ta khó phát triển tới đỉnh cao? Tại sao đã có nhiều chính sách, chủ trương thu hút nhân tài mà kết quả thực hiện đến nay vẫn còn quá khiêm tốn, còn rất xa mới đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước?

Đã có nhiều cuộc hội thảo tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó. Ở đây chỉ xin nêu ra vài suy nghĩ để chia sẻ với những ai từng trăn trở về nhân tài của đất nước.

Trước hết, tại sao ta có ít nhân tài? Phải chăng như có người từng nói vì... “cái nước này nó thế”? Không, không phải chỉ bây giờ đất nước này mới có nỗi buồn nhân tài. Theo Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim, ngay từ những năm 1820, vua Minh Mạng đã từng than thở: “Việc học theo lối cử nghiệp không có mấy người thực học, trách nào nhân tài ngày một kém đi”. Hóa ra, gần 200 năm trước, tiền nhân đã buồn nỗi buồn nhân tài và đã có lời giải thích đích đáng, đâu phải đến thế hệ chúng ta mới day dứt với nó!

Ngẫm cho kỹ, quả không có lời giải thích nào đúng hơn: Với một nền giáo dục chuộng hư học, chạy theo thành tích ảo, cuối cùng là không trung thực, không sáng tạo, không cải cách... thì làm sao “nhân tài không ngày một kém đi” như vua xưa đã nói.

img
Ảnh: DUY ANH
Thế nên, cải cách giáo dục toàn diện, triệt để là yêu cầu cấp bách, là mệnh lệnh không thể chần chừ của cuộc sống. Chỉ trên nền một hệ thống giáo dục cải cách triệt để nhằm tiến lên lành mạnh, trung thực, hiện đại thì nhân tài mới có cơ may nảy nở và phát triển.

Vấn đề tiếp đến là tại sao nhân tài ở nước ta khó phát triển tới đỉnh cao? Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân quan trọng là căn bệnh dị ứng, đố kỵ với thực tài, không thích người cấp dưới có tài hơn mình, nếp nghĩ cũ “Bụt nhà không thiêng”, chỉ coi trọng khoa bảng, dù chỉ là khoa bảng giấy. Đã có thời đúng như câu Kiều của cụ Nguyễn Du “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Thời ấy tuy đã qua lâu rồi nhưng di chứng của nó đâu dễ gì đã hết.

Cũng may, cùng với công cuộc đổi mới, mấy năm gần đây, trong xã hội ta đã bắt đầu có sự chuyển biến nhận thức. Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chủ trương coi trọng nhân tài; tuyên bố lấy phát triển giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Tuy nhiên, nhận thức chưa thông nên trên thực tế giáo dục, khoa học chưa được thật sự coi trọng. Trong khi lương trung bình trong một ngành nào đó gấp đôi, gấp ba lương trung bình của giáo chức mà lãnh đạo ngành đó còn cảm thấy “đau lòng” thì thầy giáo và nhà khoa học đến nay lương vẫn không đủ sống, vẫn phải tìm mọi cách tăng thu nhập để có được mức sống tử tế. Tình trạng ấy đã diễn ra hàng chục năm nay, vậy làm sao nhân tài có thể trụ được, nói gì phát triển đến đỉnh cao!

Sau cùng là câu hỏi: Tại sao đã trải thảm đỏ mời các nhà khoa học giỏi ở nước ngoài về nước mà vẫn không mấy ai về? Ngoài một số nhà khoa học xuất chúng ở lại nước ngoài để phát triển tài năng, có lợi cho nước ta về sau này, còn có biết bao chuyên gia trong những lĩnh vực nước ta đang rất cần nhưng họ vẫn ngại ngần, chưa muốn về nước lâu dài. Một số người trẻ được gửi đi học qua nhiều kênh tài trợ khác nhau, sau khi thành đạt cũng xem việc quay về nước là bất đắc dĩ.

Không thể trách người ta chưa mặn mà với Tổ quốc. Thật ra, người Việt có ai không thiết tha với quê hương, chẳng qua là họ cho rằng với môi trường và chế độ đãi ngộ như hiện nay, họ khó có thể giúp ích nhiều cho đất nước. Bởi tài năng chỉ có thể nảy nở và phát triển trong những môi trường thuận lợi. Hơn nữa, tài năng mà không phát huy được do bị môi trường cản trở thì sẽ dễ dàng tàn lụi.

Mong rằng những khó khăn kinh tế hiện nay sẽ thức tỉnh chúng ta. Lẽ nào một dân tộc đã từng sản sinh biết bao nhân tài lỗi lạc khi chiến đấu chống kẻ thù bên ngoài mạnh hơn mình, đông và hiện đại hơn mình bội phần mà nay lại cam chịu thất bại trong cuộc chiến vươn tới tự do, thịnh vượng, hạnh phúc ở thời văn minh trí tuệ?

Đặt niềm tin vào người tài - đức

Ưu đãi vật chất là cần thiết nhưng môi trường phù hợp mới là yếu tố quyết định để thu hút và giữ được nhân tài. Kinh nghiệm trong nước cho thấy các địa phương muốn chiêu mộ nhân tài (dù chỉ mới là nhân tài ở mức thấp) mà chỉ chú ý ưu đãi vật chất không thôi đều không thành công.
 Để phát huy được tài năng, người tài cần được trao trách nhiệm xứng đáng và làm việc trong môi trường lành mạnh. Ở đó, họ thấy thoải mái, được tôn trọng, được tin tưởng, được lắng nghe, không cảm thấy bị chèn ép hay thành kiến mà trái lại có thể nhìn rõ được triển vọng thăng tiến trong tương lai.
Thu hút những nhà khoa học giỏi ở nước ngoài về nước làm việc lâu dài cũng là vấn đề thời sự hiện nay.
Tiếc thay, môi trường khoa học, giáo dục của chúng ta còn quá nhiều khác biệt so với quốc tế; các chuẩn mực, quy tắc hoạt động, đánh giá... đều không theo các thông lệ quốc tế mà có nhiều cách làm riêng chẳng giống ai.
Vì vậy, chừng nào còn tình trạng ấy thì còn khó thu hút người tài vào lĩnh vực khoa học, giáo dục.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo