xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mệt mỏi với học trực tuyến

Đặng Trinh

Dạy và học trong trạng thái bị động, các ứng dụng online có nhiều nhưng tiềm ẩn rủi ro khiến việc học trực tuyến trở nên phiền hà, mệt mỏi

Học sinh (HS) dùng nhiều chiêu trò để né học, giáo viên (GV) loay hoay giữa các công cụ dạy học. Trong khi đó, việc kiểm tra và đánh giá không đồng bộ, mỗi nơi mỗi kiểu. Hiệu trưởng nhiều trường phổ thông ở TP HCM phản ánh và cho biết hiện vẫn phải vừa dạy vừa chờ chỉ đạo thống nhất từ cấp trên.

Nhiều phần mềm thiếu an toàn

Hiện có 2 công cụ được sử dụng nhiều nhất trong dạy trực tuyến là ứng dụng Zoom và Microsoft Office 365.

Cả 2 ứng dụng này đều miễn phí. Tuy nhiên, gần đây quá nhiều rủi ro phát sinh. Ứng dụng Zoom vừa bị cảnh báo để lộ thông tin người dùng, trong quá trình dạy học dễ bị đối tượng xấu chen ngang vào phá lớp học.

Ứng dụng Microsoft Office 365 thì phức tạp khi yêu cầu nhiều công đoạn đăng ký, với đặc thù nhiều môn học và đa số các trường hiện đang dạy trực tuyến. Nhưng theo thời khóa biểu của dạy trực tiếp thì HS phải đăng ký nhiều tài khoản cùng lúc, rất dễ nhầm lẫn và không tiện lợi khi tham gia lớp học.

Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), cho biết việc dạy và học trực tuyến được triển khai tại trường khoảng 2 tuần qua. Hiện nhà trường đang dùng phần mềm của VNPT để dạy và hệ thống 789.vn để tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Theo ông Cang, về phương tiện như máy tính, điện thoại, đa số HS có thể khắc phục, tuy nhiên không thể thu hút 100% HS tham gia lớp học trực tuyến. Trước đó, qua test thử các phần mềm thì nhiều ứng dụng yêu cầu HS, GV phải có nhiều tài khoản, nhiều công đoạn. HS trước khi vào học phải nhớ tài khoản từng môn thì quá mệt, không thể nhớ hết. Hiệu quả học trực tuyến chỉ được 50% so lớp học trực tiếp.

Mệt mỏi với học trực tuyến - Ảnh 1.

Một học sinh ở TP HCM đang tham gia lớp học trực tuyến Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), nói phải khẳng định dù các ứng dụng trực tuyến hiện đại thế nào cũng không thể thay thế những lớp học trực tiếp về cả lượng kiến thức và khả năng tương tác thầy - trò.

Ông Hải phân tích: Nói về công nghệ thông tin thì rõ ràng thời nay HS giỏi hơn các thầy cô nhiều, nên có những trường hợp HS không muốn học nhưng vẫn để màn hình động, tương tác để GV không phát hiện nhưng kỳ thực là vắng mặt, không thể quản lý được. Nhiều ứng dụng giới hạn sĩ số HS hoặc thời gian tổ chức. Chẳng hạn, mỗi phòng học chỉ được khoảng 40 HS tham gia. Hoặc có những môn học 2 tiết liên tục nhưng ứng dụng chỉ được 40 phút là thoát ra, muốn tiếp tục lại phải thêm công đoạn đăng nhập, rất mất thời gian.

Thực tế ở trường này, với lớp 10 chỉ khoảng 60% HS theo học, lớp 11 thì 70%, lớp 12 thì do tâm lý kỳ thi nên số lượng HS theo học cao hơn, khoảng 90%. Do phải học với tâm lý đợi chờ tình hình dịch Covid-19 nên bị động và chưa quyết liệt.

Ông Lê Duy Tân, GV Trường THPT Gia Định, cho rằng GV còn chưa quen với việc dạy học trên nền tảng trực tuyến nên còn loay hoay với việc làm quen với các ứng dụng để có thể thao tác thành thạo, nhằm bảo đảm chất lượng bài giảng và hiệu quả của hoạt động dạy học. Học tập trên máy tính là việc làm không hề dễ dàng với GV và HS. Khó khăn với GV là phải đầu tư nghiên cứu về giáo án, bài giảng, phương pháp truyền thụ sao cho hiệu quả. Đối với HS, làm thế nào để tăng tính tập trung khi phải tương tác quá nhiều trên máy tính là vấn đề đáng lưu tâm.

Tuy nhiên, ông Tân khẳng định mặt thuận lợi là GV ngày nay khá nhạy bén với những thay đổi của đời sống nên những thách thức trong việc dạy học trực tuyến nhanh chóng được xóa bỏ. Nhiều GV đã giảng dạy khá thành công trên nền tảng trực tuyến.

"Ở Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), việc hỗ trợ GV dạy học trực tuyến được ban giám hiệu chú trọng đầu tư ngay từ thời điểm dịch bắt đầu. Trường có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ GV trong việc cập nhật các ứng dụng dạy học. Vì vậy, việc dạy học trực tuyến ở trường rất hiệu quả, chất lượng dạy học của nhà trường được bảo đảm" - ông Tân cho biết.

Loay hoay cách cho điểm

Không chỉ khó khăn, mệt mỏi với các ứng dụng, điều các trường băn khoăn nhất là việc cho điểm thế nào với học trực tuyến do vẫn chưa có chỉ đạo thống nhất.

Ông Hoàng Sơn Hải cho biết vì lo cho HS, nhiều GV vừa dạy trực tuyến vừa tổ chức quay clip bài giảng gửi cho HS để chắc ăn và yêu cầu HS làm bài tập gửi qua email để kiểm tra, đánh giá. Trước đây, có những cách kiểm tra tổ chức được luôn trên lớp nhưng nay phải giao hết về nhà khiến GV thêm việc.

"Nhưng lo nhất hiện nay là việc cho điểm các môn học theo cách dạy trực tuyến thế nào thì vẫn chưa có quy định. GV vẫn cho điểm nhưng treo ở đó, chưa dám cho điểm chính thức. Lý do là nếu tình huống không thi THPT quốc gia, nhiều trường ĐH tổ chức xét học bạ thì điểm số sẽ là vấn đề quyết định, nên các trường chưa biết giải quyết thế nào" - ông Hải cho biết.

Ông Tân cho rằng nhiều GV còn nhầm lẫn giữa dạy online và giao bài online nên HS phải làm quá nhiều bài tập mà GV cũng không chấm và sửa được. Trong khi đó, GV một trường THCS tại quận Bình Thạnh cho rằng đa số hiện nay học online nhưng theo thời khóa biểu của lớp học trực tiếp nên rất mệt, HS phải dán mắt vào màn hình cả ngày nên hiệu quả rất thấp.

Ông Lâm Tài Lộc, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 4, cho rằng để dạy online quan trọng là chọn phần mềm nhưng cho dù chọn lựa phần mềm nào đi nữa thì việc quan trọng nhất vẫn là bài giảng của thầy cô được soạn như thế nào để HS hiểu và vận dụng được, các công cụ kết hợp thành thạo chỉ giúp GV tiết kiệm được thời gian và có tiết học phong phú hơn mà thôi. GV cũng tránh biểu diễn quá nhiều công cụ trong giờ dạy trực tuyến vì sẽ làm giảm chất lượng bài dạy. Dạy trực tuyến sẽ còn vận dụng sau này nhiều, nên chọn lựa một phần mềm để khỏi phải thay đổi, thêm rối. 

TP HCM tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến ngày 3-5

Chiều 17-4, Văn phòng UBND TP HCM cho biết TP đã ban hành văn bản tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học cho HS, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn đến hết ngày 3-5. Đồng thời, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh một số nội dung liên quan kế hoạch năm học, thời gian hoàn thành chọn sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới, thời gian kết thúc năm học 2019-2020.

Ph.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo