Chiều 27-10, tại Học viện Cán bộ TP HCM, Thành ủy TP HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Tại hội nghị, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) TP HCM, cho biết trong năm học 2021-2022, mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học của TP HCM đã phủ khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức với 2.355 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông, 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên và 310 trung tâm học tập cộng đồng.
Đến cuối năm 2020, 99,86% người trong độ tuổi 15-60 ở TP HCM biết chữ; 100% quận, huyện củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục bậc trung học.
Về xây dựng mô hình ở cơ sở, bà Huỳnh Thị Xuân Mai - Chủ tịch HĐND thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn - cho biết huyện xây dựng mô hình Quỹ khuyến học với sự tham gia của 17/17 chi hội và các dòng họ (xây dựng được 5-10 quỹ tiêu biểu). Ngoài ra, địa phương này cũng xây dựng 22 lớp đào tạo nghề cho thanh niên; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, viên chức, công chức cơ sở;... Kết quả trên nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là vai trò của Hội Khuyến học, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hội nghề nghiệp.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài
Theo bà Đoàn Thị Nụ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, trường đã xây dựng mô hình "tiết học thư viện"; "ngày hội văn hóa đọc"; thành lập Câu lạc bộ đọc sách tầm nhìn xanh... để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ các cấp phổ thông. Hằng tháng, trường tổ chức quyên góp sách báo, tạp chí để bổ sung cho tủ sách, thư viện sách của nhà trường. "Hiện nay, nhà trường đã xây dựng được 40 tủ sách, phục vụ việc học tập và giao lưu văn hóa đọc cho các em học sinh" - bà Nụ cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết công tác khuyến học, khuyến tài được cấp ủy, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. "Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các dòng họ, điển hình như dòng họ Hồ Đắc ở quận Phú Nhuận; công tác vận động trí thức, doanh nhân, hội quán người Hoa đạt được những kết quả thiết thực" - ông ghi nhận.
Ông Nguyễn Hồ Hải yêu cầu Hội Khuyến học và ngành giáo dục các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục quan tâm đến khuyến học, khuyến tài, nhất là nâng cao nhận thức, xu hướng chuyển đổi số, gắn với xây dựng xã hội học tập..."Mỗi cá nhân lựa chọn cho mình hình thức học tập phù hợp để nâng cao tinh thần tự học, tự rèn luyện và truyền cảm hứng, ý chí học tập, phấn đấu để trở thành công dân học tập, gia đình học tập, cộng đồng cùng học tập. Từng cấp hội kiện toàn, nâng cao khuyến học ở cơ sở, tạo phong trào học tập suốt đời rộng khắp trong xã hội..." - ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Dịp này, Thành ủy TP HCM đã khen thưởng 47 tập thể và 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2007-2022.
Bà Lê Minh Ngọc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TP HCM, cho biết từ 35 thành viên đầu tiên của ngày đầu thành lập, qua 20 năm phát triển, đến nay, tổ chức hội đã phát triển đều khắp ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, trường học, cơ quan, đơn vị. Toàn thành phố hiện có 310 hội khuyến học phường, xã; 4.643 chi hội khuyến học và 24.852 tổ hội khuyến học với hơn 1,4 triệu hội viên. Tổ chức hội các cấp ngày càng được củng cố và phát triển vững mạnh, tạo nhiều dấu ấn trong các hoạt động như: chương trình "Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học", mô hình học bổng khuyến tài (còn gọi là học bổng 1&1).
Ngoài ra, để đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, TP Thủ Đức và các quận, huyện đã triển khai thành công nhiều mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập...
Bình luận (0)