ThS Lê Thanh Thảo, cựu sinh viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM - từng tham gia nhiều đề tài tại nhiều viện nghiên cứu ở TP HCM, tâm sự các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến việc các cấp thiếu sự tin cậy đối với nhà khoa học trẻ.
Đề tài mới, sợ rủi ro
ThS Thanh Thảo kể trong thời gian cô làm việc tại trung tâm nghiên cứu thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM, có thầy chủ nhiệm đề tài từ nước ngoài về xin kinh phí nhiều lần nhưng đề tài vẫn không được xét duyệt chỉ vì quá… mới mẻ. "Ở nước ngoài ý tưởng mới mẻ, cấp tiến rất được hoan nghênh nhưng Việt Nam lại không dám đầu tư những đề tài như vậy vì sợ rủi ro" - ThS Thanh Thảo cho biết.
Ngoài ra, các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam thường thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế vì thời gian học việc khá lâu (khoảng 5 năm sau tốt nghiệp). Nói về trường hợp nhà khoa học trẻ bị đánh cắp thành quả, ThS Thanh Thảo cho rằng ở các nước, cơ quan đăng ký bản quyền ý tưởng sáng chế hoạt động rất tốt trong khi ở Việt Nam điều này còn khá xa lạ. "Nếu ở Việt Nam, cơ quan này hoạt động tốt, sẽ là cơ sở bảo vệ người nghiên cứu" - nhà khoa học trẻ nói.
Nghiên cứu khoa học tại Phòng Thí nghiệm, Trường ĐH Bách khoa TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Nhà khoa học Nguyễn Đức Thái - cố vấn khoa học Trường ĐH Y Dược TP HCM - Việt kiều Mỹ, từng được chính phủ Mỹ cấp bằng phát minh cho kết quả nghiên cứu tìm được dị thể đầu tiên cho bệnh tăng nhãn áp, nguyên nhân chính gây bệnh mù lòa - cho biết ông rất buồn khi đọc được thông tin các nhà khoa học trẻ bị phá hoại thành quả nghiên cứu vừa qua. "Ngoài vụ này, môi trường nghiên cứu ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều tiêu cực khác. Đây là trách nhiệm mà Chính phủ phải mạnh mẽ giải quyết" - TS Thái cho biết.
Hành chính hóa việc nghiên cứu
GS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng thời gian triển khai từ ý tưởng khoa học đến phê duyệt triển khai thực hiện và chuyển giao ứng dụng quá dài, có nguy cơ hành chính hóa việc nghiên cứu khoa học. Phần dự toán kinh phí dày trang hơn hẳn nội dung khoa học và tốn công sức hơn rất nhiều.
Ông Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho rằng quy định về tài chính đối với nghiên cứu khoa học hiện nay rất bất cập, vẫn trả công theo ngày lao động, tức là cào bằng trong nghiên cứu, thêm vào đó định mức kỹ thuật, ngày công lao động không được điều chỉnh từ nhiều năm. Ông Trí cho hay đơn giá công nhân vẫn là 80.000 đồng, cán bộ là 120.000 đồng. Khi thực hiện nghiên cứu ở Kiên Giang, nhóm nghiên cứu phải bỏ tiền thuê công nhân 300.000 đồng nhưng định mức quy định là 100.000 đồng. "Các nhà khoa học lấy tiền đâu ra để bù vào? Nhiều lần vấn đề này đã được nêu ra để tìm cách tháo gỡ nhưng 10 năm vẫn chưa thay đổi. Đây cũng là lý do khiến nhà khoa học không thể trung thực, phải nói dối khi làm thanh quyết toán đề tài" - ông Trí nêu thực tế
Ông Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, cho biết các cuộc khảo sát thực địa biển thường bị lỡ vì mất hai tháng đấu thầu. Theo chuyên gia này, đáng lẽ tháng 4-5 biển lặng, thích hợp để khảo sát nhưng nhóm nghiên cứu phải chờ đến năm sau mới thực hiện do vướng thủ tục trong phê duyệt.
TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, cũng cho rằng thời gian từ khi đề xuất đến lúc được triển khai kéo dài hàng năm hoặc hơn, làm giảm tính thời sự, giảm hiệu quả các đề tài khoa học.
Cần nguồn lực khoa học Việt kiều
TS Nguyễn Đức Thái cho biết những người làm khoa học cũng cần phải cải tiến và tích cực để có sự tin tưởng và ủng hộ của xã hội. Các nhà khoa học cần nghiên cứu nghiêm túc, không lặp lại các đề tài nước ngoài, không nên làm nghiên cứu a dua theo xu thế, phải luôn có câu trả lời mới, dù lớn hay nhỏ. "Cần mời các chuyên gia Việt kiều mọi nơi, gửi đề xuất kế hoạch mũi nhọn với các yêu cầu cụ thể về ngân sách, nhân sự và chọn một số người ưu việt nhất về xây dựng, tham gia" - TS Thái đề xuất.
(*) Xem Làm nghiên cứu "tử tế" quá khó
Bình luận (0)