Nhóm 1: Kiến thức về giai đoạn văn học, các tác giả và tác phẩm văn học
Về giai đoạn văn học, các em ôn tập chủ yếu giai đoạn văn học 1930-1945, 1945-1975 và giai đoạn văn học sau 1975 đến hết thế kỉ XX; bao gồm đặc điểm cơ bản, thành tựu, tác phẩm - tác giả tiêu biểu của từng thời kỳ và từng xu hướng.
Ví dụ đối với thơ lãng mạn, cần lưu ý các tác phẩm như: Tương tư (Nguyễn Bính), Tràng Giang (Huy Cận), Vội vàng (Xuân Diệu), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử). Về tác giả văn học, các em cần hiểu rõ cuộc đời (hoàn cảnh gia đình và lịch sử xã hội có ảnh hưởng đến quá trình sáng tác), nắm kỹ sự nghiệp văn học (quan điểm sáng tác, quan niệm văn chương, các đề tài chính, các tác phẩm tiêu biểu và phong cách nghệ thuật với những dấu ấn riêng biệt) và vị trí của tác giả trong nền văn học nước nhà và văn học thế giới. Chú ý các tác giả lớn như Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Thí sinh dự thi ĐH, CĐ tại TPHCM năm 2012. Ảnh tư liệu NLĐO
Về tác phẩm văn học, các em nên lập bảng ôn tập theo thể loại (thơ, truyện) hoặc từng giai đoạn để dễ dàng so sánh, đối chiều. Nắm kĩ hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa nhan đề, tình huống truyện, giá trị nội dung (chủ đề, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo), giá trị nghệ thuật (những thủ pháp, những chi tiết nghệ thuật độc đáo). Chẳng hạn như câu hỏi về thủ pháp nghệ thuật và ý nghĩa cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em đừng quên học thêm phần tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài của chương trình lớp 12.
Nhóm 2: Nghị luận xã hội bàn về một tư tưởng, đạo lý hay một hiện tượng trong đời sống xã hội
Phần nghị luận về tư tưởng, đạo lý thường tập trung vào các nội dung như: Tình cảm gia đình, tình bạn bè, bài học về nhân cách, cách đối nhân xử thế, quan niệm - lối sống tích cực hoặc tiêu cực (lạc quan, tự trọng, vị tha, dũng cảm, nhân hậu hoặc bi quan, tự ti, ích kỷ, vô cảm, hèn nhát…).
Phần nghị luận về một hiện tượng trong đời sống hay ra đề về những hiện tượng có tính chất thời sự được xã hội quan tâm và có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lối sống của lớp trẻ hiện nay. Ví dụ như hiện tượng xả rác bừa bãi trong môi trường học đường; vi phạm luật lệ giao thông của học sinh trung học phổ thông; lối sống lãng phí và phô trương; lối sống sành điệu của tuổi mới lớn; hiện tượng chảy máu chất xám…
Đối với câu hỏi này, các em cần ôn lại lý thuyết các thao tác lập luận so sánh, bác bỏ, bình luận, phân tích đã học ở lớp 11 và lý thuyết bàn về tư tưởng, đạo lý hay hiện tượng xã hội được học ở lớp 12. Ngoài ra cần tích lũy vốn sống từ thực tế và thu thập, lưu giữ dẫn chứng từ các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhóm 3: Nghị luận văn học
Nội dung yêu cầu nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ tập trung vào chủ đề bài thơ, tứ thơ, hình tượng thơ, nhân vật trữ tình và nội dung cụ thể của từng khổ thơ, các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc.
Với phần nghị luận về một tác phẩm văn xuôi, các em cần nắm chắc cốt truyện, hình tượng nhân vật (ngoại hình, cử chỉ, ngôn ngữ, tính cách), giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và những biện pháp nghệ thuật in đậm dấu ấn của tác giả.
Các em có thể ôn tập theo đề tài, chủ đề hoặc nội dung cụ thể như giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) và Vợ nhặt (Kim Lân); chất sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) và Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi); hình tượng người phụ nữ qua truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh tập trung ôn tập các tác phẩm trong chương trình lớp 12. Riêng kỳ thi ĐH-CĐ, các em lưu ý ôn cả những tác phẩm văn học ở chương trình lớp 11 từ giai đoạn 1930-1945. Đề cương ôn tập cần ngắn gọn, luận điểm rõ ràng, luận cứ, luận chứng đầy đủ, chính xác để dễ thuộc, dễ nhớ.
Bình luận (0)