Điều được dư luận nói đến nhiều trong kỳ thi này là đề thi được đánh giá chung là dài hơn và khó hơn năm 2017. Đề thi năm 2017 được cho là dễ vì chỉ nằm trong chương trình lớp 12 và cũng là năm đầu tiên có đến 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm (từ năm 2016 trở về trước chỉ có 4/8 môn thi trắc nghiệm). Hệ quả ở năm 2017 là hiện tượng mưa điểm 10 với hơn 4.000 bài thi được điểm 10 (năm 2016 chỉ có 69 điểm 10) và đặc biệt độ phân hóa thí sinh đạt hiệu quả thấp ở phân khúc điểm cao nên có hiện tượng điểm chuẩn trúng tuyển "đội trần" 30 điểm ở một vài ngành có đông thí sinh điểm cao cùng đăng ký xét tuyển.
Phụ huynh mệt mỏi chờ con thi THPT quốc gia 2018 dưới trời nắng nóng. Ảnh: Hoàng Triều
Tuy nhiên, việc đề thi có nội dung chương trình lớp 11 và sẽ yêu cầu độ phân hóa cao hơn (nghĩa là khó hơn) đã được công bố trước để học sinh chuẩn bị tâm lý và có kế hoạch ôn tập. Với đề thi năm 2018, dù dư luận đánh giá chung là khó hơn, nhưng cũng thống nhất nhận định là các thí sinh trung bình vẫn có khả năng làm được phân nửa số câu trắc nghiệm của môn thi, nghĩa là đạt được 5 điểm (nếu điểm của mỗi câu trắc nghiệm dù khó hay dễ đều bằng nhau). Điều này có ý nghĩa quan trọng vì tỉ lệ tốt nghiệp THPT vốn đang tiến đến 100% sau 3 kỳ thi THPT quốc gia sẽ không có thay đổi bất ngờ. Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia sẽ đạt được mục tiêu đầu tiên là dùng để xét tốt nghiệp THPT.
Với mục tiêu thứ hai của kỳ thi là làm cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, chắc chắn điểm thi năm nay sẽ tác động tốt hơn, dù rằng điểm chuẩn trúng tuyển có thể thấp hơn năm 2017. Bên cạnh đó, quy định chỉ làm tròn tổng điểm của tổ hợp 3 môn xét tuyển đến 2 chữ số thập phân sau dấu phẩy chứ không làm tròn đến các mức 0,00; 0,25; 0,50; 0,75 như những năm trước sẽ làm cho việc xét tuyển công bằng và chính xác hơn ở mức 0,01 điểm; không còn hiện tượng có thí sinh lợi đến 0,12 điểm nhưng ngược lại cũng có thí sinh bị thiệt đến 0,12 điểm.
Tất nhiên phải chờ khi có kết quả chấm thi năm 2018 mới đánh giá được chính xác về hiệu quả phân hóa của đề thi như Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường đại học mong muốn, nhưng rõ ràng việc điểm của kỳ thi phải "cõng" 2 mục tiêu khác nhau để đáp ứng cho 2 đối tác khác nhau là một bài toán khó cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một bên là các Sở Giáo dục Đào tạo và đặc biệt là gần 240 ngàn thí sinh (chiếm 26% tổng số thí sinh năm 2018) thi chỉ để xét tốt nghiệp; một bên là các trường đại học và gần 670.000 thí sinh thi để xét tuyển vào 450.000 chỉ tiêu; liệu các bên có thể "song hành" đến khi nào trong kỳ thi THPT quốc gia?
Bình luận (0)