Theo phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, học sinh sẽ thi 4 môn tối thiểu. Trong đó, toán, văn, ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc và 1 môn do thí sinh tự chọn gồm: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12-6.
Chưa yêu cầu thay đổi nhiều cách học
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho biết ngoài 4 môn nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thêm các môn còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong đề án tuyển sinh của trường. Với những học sinh, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ. Thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.
Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi tự luận, thời gian 180 phút; các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút.
Theo ông Mai Văn Trinh, đề thi năm tới vẫn theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Trước mắt, đề thi chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Vì vậy, các thí sinh không phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi.
Để bảo đảm kết quả kỳ thi trung thực, chính xác, việc tổ chức coi thi, chấm thi sẽ theo các cụm thi tập trung. Ông Trinh cho biết Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao việc chủ trì tổ chức coi thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ cùng tham gia coi thi, chấm thi với giáo viên các trường THPT.
Các sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trước ngày 1-1 hằng năm, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Căn cứ vào chỉ tiêu của trường và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký vào các trường.
Phải có phương án chống học lệch
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án một kỳ thi, lãnh đạo và giáo viên các trường đã có những ý kiến khác nhau. Ông Đinh Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP HCM), đánh giá về mặt thời điểm, việc công bố phương án thi vào đầu năm học là sự tiến bộ vì không làm cho học sinh bất ngờ như những năm trước. Tuy nhiên, trong kỳ thi năm 2015, thí sinh chỉ phải thi bắt buộc 3 môn: văn, toán, ngoại ngữ và một môn tự chọn để xét tốt nghiệp thì khả năng học lệch, bỏ môn hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, phía các trường cũng như các sở GD-ĐT cần có phương án để thí sinh không học lệch nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho rằng do là kỳ thi vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở để các trường xét tuyển ĐH, CĐ nên việc tổ chức thi, coi thi, đề thi, chấm thi cần chặt chẽ để các trường ĐH, CĐ tin tưởng sử dụng kết quả. Nếu không, các trường ĐH, CĐ vẫn tổ chức thi riêng và như thế, mục đích của kỳ thi coi như không đạt được.
Trong khi đó, cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), lo lắng cho rằng phương án mà bộ đưa ra tạo điều kiện cho học sinh học lệch một cách hợp pháp. Chắc chắn các môn không lựa chọn thi, thí sinh sẽ không học và các trường cũng vì nuôi “gà chọi” mà chiếu cố những môn này. “Ai sẽ kiểm tra, đánh giá những môn mà kỳ thi không yêu cầu thi và thí sinh không lựa chọn? Với phương án này, rõ ràng mục tiêu học phổ thông sẽ không còn là phổ thông nữa” - cô Hiền băn khoăn.
Cũng theo giáo viên này, đáng ra tốt nghiệp THPT chỉ xét trên học bạ, như thế giáo viên các môn sẽ được tôn trọng, các môn học bình đẳng như nhau. Còn một kỳ thi nên là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. “Bộ đã đưa ra phương án này thì phải có hướng đi ngay từ bây giờ, phải kèm theo mô hình, thi như thế nào, đề thi ra sao… và giữ nguyên phương án, tránh tiền hậu bất nhất. Nhiều năm trước, cứ cận kề kỳ thi, bộ lại có thay đổi làm khổ cả giáo viên lẫn thí sinh” - cô Hiền nói.
Tỉ lệ tốt nghiệp sẽ không biến động nhiều
Ngay sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để trả lời các thắc mắc của phóng viên
Yến Anh ghi
Phóng viên: Bộ GD-ĐT cho biết thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ. Vậy đó là những chứng chỉ nào bởi thực tế, nhiều người có thể “mua” chứng chỉ ngoại ngữ với giá 200.000 đồng?
- PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT: Bộ sẽ quy định cụ thể chứng chỉ nào được miễn. Về cơ bản, đó là những chứng chỉ đã được quốc tế thừa nhận, còn những chứng chỉ khác thì chúng tôi sẽ cân nhắc.
Đề thi thiết kế như thế nào? Có quy định riêng phần để thí sinh tốt nghiệp và phần để xét tuyển ĐH, CĐ không? Đề thi giữa 2 cụm thi ở địa phương và ở các trường ĐH có khác nhau?
- PGS Trần Văn Nghĩa: Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia khá giống đề thi tuyển sinh ĐH 2014, trong đó có nhiều câu hỏi mở và thí sinh phải dùng kiến thức liên môn.
- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi dùng cho 2 cụm thi ở địa phương và ở các trường ĐH đều là đề chung, không tách riêng nhưng có sự phân hóa. Điểm để tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn; điểm dành cho xét tuyển ĐH, CĐ sẽ cao hơn.
Việc tổ chức cụm thi ở các trường ĐH liệu có gây quá tải hay không?
- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Thực tế nhiều năm qua cho thấy việc tổ chức thi cho khoảng 30.000 - 40.000 thí sinh vẫn rất tốt. Bộ sẽ tổ chức các cụm thi theo khoảng cách địa lý và sửa đổi quy chế tuyển sinh để phù hợp với những quy định mới. Ngay cả cụm thi như thế nào, thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, ngưỡng chất lượng bảo đảm đầu vào thế nào… cũng sẽ đưa vào quy chế.
Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi quốc gia để lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển nhưng nếu các trường ĐH, CĐ không lấy kết quả này mà tự tổ chức kỳ thi riêng thì sao?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mục đích của kỳ thi là cung cấp căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh. Tuy nhiên, những trường có yêu cầu cao chọn sinh viên tinh hoa, kể cả những trường bình thường muốn tuyển sinh riêng thì vẫn được vì Luật Giáo dục ĐH cho phép điều đó. Việc trường sử dụng kết quả có kèm theo các điều kiện khác là tùy thuộc vào mỗi trường. Xu hướng của các trường là chọn phương án tối ưu, ít phiền hà nhất. Bộ mong muốn kết quả kỳ thi này là đáng tin cậy để các trường sử dụng như đã từng sử dụng kết quả thi “3 chung” để giảm tốn kém, phiền hà.
Việc tổ chức một kỳ thi khách quan, trung thực có thể dẫn đến tình trạng tỉ lệ tốt nghiệp không như mong muốn của địa phương, gây xáo trộn xã hội?
- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ không đặt vấn đề tỉ lệ tốt nghiệp phải là bao nhiêu. Tuy nhiên, tôi tin rằng sẽ không có biến động. Phổ điểm nhiều năm qua hình chuông, phân bố đều chứ không như năm 2007.
Để chứng minh rằng cơ sở dữ liệu là đáng tin cậy để các trường xét tuyển, Bộ GD-ĐT có công khai phổ điểm hay không?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chắc chắn chúng tôi sẽ công khai phổ điểm để xã hội biết chất lượng đề thi, kết quả thí sinh cũng như các trường dựa vào kết quả này để chọn những thí sinh phù hợp.
Bình luận (0)