Ngày 12-9, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố USAID vừa lần đầu tiên ký bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc Quốc gia USAID tại Việt Nam Aler Grubbs đã ký bản ghi nhớ vào chiều ngày 9-9 tại lễ ký được tổ chức tại trụ sở Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc Quốc gia USAID tại Việt Nam Aler Grubbs ký bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam - Ảnh: USAID
Bản ghi nhớ sẽ mở rộng hỗ trợ của USAID dành cho Bộ GD-ĐT nhằm đưa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam ngày càng đổi mới, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh cao.
Hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học của Mỹ và khu vực tư nhân, USAID đang hỗ trợ các trường đại học Việt Nam nâng cao chất lượng học thuật và tăng cường quản trị cơ sở để trở thành các hình mẫu về giáo dục đại học hiện đại, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhiều chương trình trong số các chương trình này đã kết nối các trường đại học Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Mỹ và các doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy và học, kiểm định chất lượng, đổi mới giáo trình, nghiên cứu và liên kết đại học-doanh nghiệp.
Thông qua bản ghi nhớ được ký kết, USAID sẽ hỗ trợ Bộ GD-ĐT một dự án mới để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nhằm rà soát và cải thiện các chính sách về giáo dục đại học. Cải thiện các chính sách sẽ giúp thúc đẩy tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế liên tục của Việt Nam.
USAID đang hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Hợp tác cùng chính phủ Việt Nam, USAID sẽ hỗ trợ thúc đẩy các cải cách giáo dục đại học mang tính thể chế và có hệ thống giúp đem lại lợi ích cho hơn 150.000 sinh viên nhờ trang bị tốt hơn cho các em những kỹ năng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của một thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh.
Bình luận (0)