Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), quy mô của giáo dục mầm non là gần 5,4 triệu trẻ, giáo dục phổ thông là hơn 17,5 triệu học sinh (HS), trong đó tiểu học hơn 8,7 triệu HS, THCS hơn 6 triệu HS, THPT hơn 2,8 triệu HS.
Khai giảng qua mạng
Cùng với HS cả nước, hơn 2,1 triệu HS Hà Nội tham dự lễ khai giảng năm học mới. Do tình hình dịch Covid-19, Hà Nội quyết định tổ chức lễ khai giảng trực tiếp nhưng thực hiện giãn cách.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, sở đã hướng dẫn các trường tổ chức lễ khai giảng trang nghiêm, không quá 45 phút và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Tại quận Cầu Giấy, các trường đã phun khử khuẩn trước lễ khai giảng. Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân Nguyễn Mỹ Hảo cho hay HS lớp 6 trực tiếp dự lễ khai giảng trong khi HS các lớp khác sẽ dự trong lớp học thông qua máy chiếu để bảo đảm giãn cách.
Nhiều trường học của Hà Nội cũng xây dựng kịch bản chi tiết về kế hoạch đón HS và tổ chức khai giảng như phân luồng đón HS ngay từ cổng trường, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, phát khẩu trang cho HS. Phụ huynh không được đưa con vào trong trường, không tụ tập đông người phía ngoài cổng trường…
Tại TP HCM, gần 1,7 triệu HS bước vào năm học mới. Sáng 4-9, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã dự lễ khánh thành và khai giảng Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (huyện Hóc Môn). Đây là ngôi trường đầu tiên ở TP HCM tổ chức khai giảng. Hơn 850 HS đại diện cho 2.300 HS của trường hào hứng tham dự lễ. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã đánh trống khai giảng năm học mới.
Để bảo đảm an toàn phòng dịch, TP HCM quy định lễ khai giảng ngắn gọn, đơn giản, chỉ HS các lớp đầu cấp tham dự đầy đủ, còn các khối lớp sẽ cử đại diện HS tham dự lễ.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT TP trong năm học mới là tiếp tục triển khai đổi mới căn bản toàn diện. Ngành GD-ĐT vận dụng sáng tạo chương trình phổ thông của bộ ban hành, đồng thời tổ chức dạy tích hợp liên môn, khơi gợi để phát huy tính tự học, năng lực sáng tạo của các em, đặc biệt không gò bó các em vào cách học lý thuyết nặng nề. Trong năm học mới, hoạt động dạy - học trực tuyến tại TP HCM sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, HS có thể học ở bất cứ nơi nào, bất cứ đâu.
Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, sáng 5-9, sở phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng thực hiện chương trình tọa đàm "Đà Nẵng - Chào năm học mới" thay vì tổ chức lễ khai giảng để chia sẻ đến giáo viên và HS thông điệp đầu năm học và công tác triển khai năm học mới.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (huyện Hóc Môn, TP HCM) dự lễ khánh thành và khai giảng sáng 4-9 Ảnh: ĐẶNG TRINH
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, nhấn mạnh sau lễ khai giảng trực tuyến, việc dạy học sẽ bắt đầu từ ngày 7-9 cũng bằng hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Đối với HS lớp 1, nhà trường sẽ hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục HS ở nhà phù hợp. Đối với HS lớp 2 đến lớp 5, các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn HS tự học, ôn tập kiến thức, giao nội dung, bài tập và sửa bài tập cho HS. Đối với các trường THCS, THPT, các trường lựa chọn các hình thức dạy học qua mạng.
Dù dịch bệnh đã được khống chế khi tỉnh Quảng Nam trải qua gần 20 ngày không có ca bệnh mới trong cộng đồng, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam vẫn yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô giáo và các HS phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trước đó, tất cả trường học ở tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với y tế địa phương thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng trường lớp. Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức dạy học trên lớp bình thường.
Nhiều điểm mới
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới là rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của HS gắn với các điều kiện chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ thị trong năm học mới phải khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng chưa cao.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK lớp 1. Bộ GD-ĐT cho hay sẽ rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đồng thời lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, SGK mới.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm học này sẽ tiếp tục tổ chức thẩm định, phê duyệt SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình.
Năm học này cũng là năm học đầu tiên thực hiện phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay sẽ tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng. Cụ thể, sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng chuẩn hóa phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục định kỳ trong giáo dục phổ thông và các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thực hiện ra đề kiểm tra, đánh giá định kỳ trong giáo dục phổ thông theo ma trận câu hỏi thống nhất, phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các trường. Bộ GD-ĐT cũng sẽ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng
Nhân dịp khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi ngành giáo dục.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năm học 2019-2020, dù đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành giáo dục nhưng với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", ngành giáo dục đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện thành công vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tổ chức tốt việc học tập cho HS, sinh viên. Tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho HS, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn.
Bình luận (0)