xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm học mới 2002-2003: Ðổi mới từ cách dạy đến cách học

Từ Nguyên Thạch

Chương trình - sách giáo khoa mới chính thức được triển khai đại trà từ năm học nàyở cả hai cấp tiểu học và THCS, đánh dấu bước đổi mới lịch sử của nền giáo dục nước nhà.

Ý nghĩa: Năm học 2002-2003 là năm đầu tiên CT-SGK mới được triển khai đại trà ở lớp 1 và lớp 6. Ðây là năm học có ý nghĩa lịch sử quan trọng vì tính từ năm 1981 - năm thực hiện cải cách giáo dục - đến nay, chương trình GDPT được đổi mới một cách toàn diện và triệt để nhất. Tại hội nghị triển khai thực hiện đổi mới chương trình GDPT tháng 4-2002, Thủ tướng Phan Văn Khải nói việc đổi mới này là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước và nhấn mạnh: “Phải tạo được sự chuyển biến toàn diện GDPT”.

 

Phát biểu tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm học mới hôm qua, 30-8, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Ðặng Huỳnh Mai nói đưa chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) mới lớp 1 và lớp 6 vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông là nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2002-2003. Bộ GD-ÐT tập trung mọi điều kiện để thực hiện thật tốt công tác này.

Bỏ lối học “vẹt”, tăng cường khả năng tự học.- Mục tiêu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa IX, là nhằm: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp cận trình độ GDPT ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới”. Tại hội nghị triển khai đổi mới GDPT ở TPHCM, ông Trương Song Ðức, Giám đốc Sở GD-ÐT TPHCM, cho biết thêm: Yêu cầu của việc đổi mới chương trình GDPT lần này nhằm tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học của học sinh”.

Cụm từ “tăng cường năng lực tự học của học sinh” thật ra không mới. Nó đã được đề cập đến từ lâu và không ít lần vang lên trong các cuộc hội nghị, hội thảo. Và rồi đâu lại vào đấy. Kết quả điểm thi ÐH, CÐ mới đây còn nóng hổi tính thời sự là một bằng chứng. Không ít các vị phụ huynh đã giật mình lo lắng cho kết quả này. Chỉ cần đề thi ra khác đi một chút là hầu hết thí sinh không làm bài được. ÐH Kinh tế TPHCM chưa có đến 10% thí sinh có điểm thi trên trung bình, trong 26.000 thí sinh có 21.460 bị điểm dưới hai môn lý và 21.343 bị điểm dưới 3 môn toán, ÐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ có trên 100 thí sinh không có điểm nào trong cả 3 môn thi. ÐH Sư phạm TPHCM có 2.893 thí sinh có từ 1 đến 3 môn bị điểm 0... Tất nhiên, trách nhiệm về lối học “vẹt” này trước hết thuộc về chương trình và phương pháp truyền thụ kiến thức của thầy.

Truyền thụ linh hoạt, học sinh chủ động.- Các nhà sư phạm nhận thấy: Ðể làm thay đổi phương pháp học tập của học sinh cũng như phương pháp giảng dạy của thầy, trước hết nội dung CT-SGK phải đổi mới. Năm học này, đề nghị trên đã được thỏa mãn. Ðến nay, sau 5 năm làm thí điểm, CT-SGK mới được chính thức triển khai đại trà ở lớp 1và lớp 6. Vấn đề đặt ra là giáo viên đã gặt hái được những gì sau 5 năm thí điểm? Bà Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Minh Châu (Q.10 -TPHCM), nơi đã có 3 năm thí điểm giảng dạy CT-SGK mới, nói: “Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã tác động đến giáo viên một cách sâu sắc, từ đó giúp các em học sinh chủ động khám phá, biết cách học và biết tự học”. Ông Hà Thúc Phú, Trưởng Phòng GD-ÐT quận 3, nơi có 2 năm thí điểm CT-SGK mới bậc THCS, cũng có nhận xét: “Ðối với giáo viên phải có thời gian chuẩn bị bài giảng sâu sắc hơn, công phu hơn, sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học nhiều hơn, từ đó phương thức truyền thụ kiến thức linh hoạt hơn và chính đây là bước đầu giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Ðối với học sinh, các em phát huy được tính tích cực trong học tập, được tham gia thực hành nhiều hơn”.

Thầy cô giáo - nhân vật chính của năm.- Ðến đây, người thầy nổi lên như một nhân vật trung tâm của việc thực hiện đổi mới CT-SGK, hay nói cách khác họ là nhân vật chính của năm học đổi mới này. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện đổi mới chương trình GDPT trên toàn quốc tháng 4-2002: “CT-SGK mới dù có hoàn thiện tới đâu nhưng người giáo viên trực tiếp đứng lớp không nắm vững và từ đó không vận dụng được vào thực tế dạy học thì hiệu quả của sự đổi mới rất thấp”. Một kế hoạch tập huấn cho cán bộ, giáo viên cả nước về CT-SGK mới đã được toàn ngành GD-ÐT triển khai từ tháng 2 đến trung tuần tháng 8-2002 với quy mô lớn, vất vả và không ít tốn kém. Cả nước hiện có 354.624 giáo viên tiểu học, trong đó có 80.000 giáo viên dạy lớp 1 và 243.208 giáo viên THCS, trong đó có 60.000 giáo viên dạy lớp 6. Tất cả sẽ lần lượt tập huấn dạy CT-SGK mới. Tại TPHCM, thời gian qua đã có gần 11.200 giáo viên lớp 1 và lớp 6 tham gia các đợt tập huấn. Ðể đảm bảo thắng lợi, Bộ GD-ÐT có thêm yêu cầu: Khi phân công giáo viên dạy chương trình mới cần chọn những giáo viên có năng lực và kinh nghiệm giảng dạy tốt, được tập thể nhà trường và phụ huynh tín nhiệm, trình độ đào tạo đạt chuẩn hoặc trên chuẩn, viết chữ đẹp.

Yêu cầu cao như vậy đối với giáo viên dạy chương trình mới là điều tất yếu, đó cũng là đòi hỏi khách quan của bản thân chương trình. Và trong đợt tổng dượt này Bộ GD-ÐT đã lọc ra được gần 90.000 giáo viên, cán bộ quản lý không đạt yêu cầu để bố trí dạy chương trình mới. TPHCM cũng có gần 2.000 giáo viên dưới chuẩn, chủ yếu là giáo viên mầm non, tiểu học. Trong khi toàn ngành cũng đang thiếu ngần ấy giáo viên thì quyết định trên chắc chắn sẽ gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên đứng lớp. Dù vậy, tại TPHCM ngành GD-ÐT cũng cố gắng có đủ giáo viên đạt chuẩn cho lớp 1 và lớp 6, tạo sự yên tâm cho nhiều phụ huynh. Còn trên bình diện cả nước thì đây quả thật là một thách thức lớn trước năm học đổi mới. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Báo Người Lao Ðộng, Thứ trưởng Ðặng Huỳnh Mai nói đó là băn khoăn lớn của ngành GD-ÐT hiện nay.

 

***

Dạy chữ e trước để giúp trẻ đọc, viết nhanh

Ngay trước thềm năm học mới, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về sách Tiếng Việt 1, chương trình mới.Sáng 30-8, tại Văn phòng 2 Bộ GD-ÐT TPHCM, Thứ trưởng Ðặng Huỳnh Mai đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên các báo, đài chung quanh cuốn sách Tiếng Việt 1

img Hỏi: Hiện dư luận cho rằng việc dạy nguyên âm e trước nguyên âm a là có sự xáo trộn toàn bộ trật tự bảng mẫu tự chữ cái la-tinh của chữ quốc ngữ truyền thống, bà có ý kiến gì về vấn đề này?

- Thứ trưởng Ðặng Huỳnh Mai: Nhiều người lầm tưởng rằng dạy trước chữ e, b thì trật tự abc có sự thay đổi. Tôi khẳng định là hoàn toàn không có thay đổi vì thứ tự bảng mẫu tự abc là thống nhất trên toàn thế giới. Thay đổi ở đây là việc tìm chữ đơn giản nhất để bắt đầu dạy cho trẻ, nhằm mục đích chính giúp cho trẻ đọc chữ nhanh. Việc dạy chữ e, b trước cũng xuất hiện nhiều từ hơn cho trẻ hình dung dễ dàng, thí dụ: e đi với b là be, bé, bè, bẻ, bẹ. Cũng như trước đây học chữ i trước, i đi với t ráp ngược vần lại là ti, tí, tì, tỉ, tị. Tuy nhiên, nếu muốn viết chữ i đẹp thì phải mất 3 công đoạn, trong khi chữ e có 1 công đoạn. Ngoài ra, nét viết chữ e cũng không khó so với viết chữ o, a. Trong 5 năm thí điểm chương trình tại 12 tỉnh thành, tôi đã có dự giờ các tiết dạy tiếng Việt, điều mà tôi vui mừng nhất là học sinh viết chữ rất đẹp.

img Dư luận cũng cho rằng SGK Tiếng Việt 1 có sự tùy tiện trong viết chữ hoa, chữ thường; trật tự các thanh, dấu sắc- huyền-hỏi- ngã- nặng?

- Sách xuất bản vẫn còn một số chi tiết cần phải đính chính và chỉnh sửa lại. Còn những chỗ viết hoa, viết thường không phải là sự tùy tiện mà vì học sinh lớp 1 mới bắt đầu học chữ thì nên viết chữ thường, đến bài học viết chữ hoa thì lúc đó mới viết. Còn về trật tự các thanh dấu, thực ra trong lịch sử không có ai quy định thanh nào đứng trước thanh nào, nhưng trong tiếng Việt phải có đầy đủ các thanh, không có thanh nào được thiếu trong câu tiếng Việt. Trong các thanh dấu, chỉ nên phân biệt rõ giữa dấu hỏi và dấu ngã, chữ nào nên đi với dấu hỏi và chữ nào thì đi với dấu ngã. Còn lại các thanh dấu khác không có sự lẫn lộn này.

img Trong SGK Tiếng Việt 1 có nhiều khổ thơ, đoạn văn không điền tên tác giả, là một hình thức “đạo văn”?

- Trong lúc xuất bản quyển SGK Tiếng Việt 1, nhóm tác giả sách có trích một số đoạn văn, thơ của nhiều tác giả và cũng có gởi thơ xin phép các tác giả này xin không đề tên và đã được các tác giả đồng ý. Sau này có dư luận không đồng tình, nên khi phát hành SGK Tiếng Việt tập 2, bộ đã yêu cầu nên in tên đầy đủ các tác giả.

img Do dư luận phụ huynh rất hoang mang, khi một bài báo nói rằng khi thay đổi bộ SGK mới lớp 1, chưa hề được bất kỳ một quan chức nào của ngành GD-ÐT, cũng như các giám đốc, biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục xem qua?

- (Cười...) Có lẽ không cần trả lời thì mọi người cũng biết. Vì thật ra, khi có bất cứ thay đổi nào thì chúng tôi (lãnh đạo Bộ GD-ÐT) đều phải đọc kỹ, họp rồi thông qua, không thể nào mà chúng tôi lại làm việc vô trách nhiệm đến như vậy, khi không đọc qua bài nào mà dám cho xuất bản và thực hiện đại trà.

Yến Thy (ghi)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo