Năm học 2017-2018 được kỳ vọng là một năm học thực sự biến đổi về "chất", không khoa trương, hình thức. Bên cạnh đó là những chuyển biến đáng kể từ môi trường sư phạm, phương pháp dạy - học, thay đổi cách kiểm tra - đánh giá, đời sống giáo viên được quan tâm hơn…
"Mái nhà" an toàn, không còn lạm thu
Sau rất nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra trên khắp cả nước làm đau lòng các phụ huynh, học sinh cũng như những người quan tâm đến giáo dục, Nghị định 80 về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường đã được Chính phủ ban hành, chính thức có hiệu lực từ ngày 5-9.
Bà Đỗ Thị Kim Loan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (Hà Nội) - kỳ vọng với nghị định này, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui của học sinh. "Khi những quy định của Nghị định 80 đi vào các trường, tôi tin ở mọi nơi mọi lúc, trường học thực sự là mái ấm, là môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, thân thiện của các học sinh" - bà Loan bày tỏ. Vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ để môi trường sư phạm thực sự văn minh, chuẩn mực, người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng…, trọng trách đặt ra đối với người thầy rất lớn. Mỗi thầy cô giáo phải thực sự là một tấm gương sáng cho học sinh.
Lạm thu thực sự là nỗi ám ảnh đối với các phụ huynh mỗi năm học mới. Một giảng viên của ĐHQG Hà Nội, có 2 cô con gái đang học lớp 6 và lớp 3 tâm sự, ngăn chặn lạm thu tức là đã góp phần xây dựng trường học thân thiện đối với các phụ huynh. "Mỗi năm đến mùa tựu trường là các phụ huynh lại "méo mặt" với các loại quỹ lớp, quỹ trường, đồng phục, học phí cùng vô số khoản phí khó gọi tên khác. Gia đình có điều kiện thì không sao nhưng gia đình công nhân mà đóng tiền học cho hai con thì quả thực là lương tháng đó sẽ hết" - giảng viên này chia sẻ.
Ngay trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ra văn bản đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo không được phép thu thêm các khoản ngoài học phí. Các địa phương phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Đối với giáo dục ĐH, bộ cũng yêu cầu các trường giãn thời gian thu, thời điểm thu, tránh thu cùng một thời điểm…
Năm học 2017-2018 được kỳ vọng có nhiều đổi mới, tạo môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, thân thiện đối với học sinhẢnh: Tấn Thạnh
Hãy thôi thí điểm việc thi cử
Đổi mới thi cử ở kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ không chỉ là mối quan tâm mà còn là sự lo lắng của không chỉ các phụ huynh, học sinh lớp 12 mà còn của cả xã hội.
Những bất cập về thi cử như bài thi tổ hợp 3 môn khiến các trường khó khăn trong xét tuyển, 30 điểm/3 môn bị rớt ĐH tốp đầu ngành y khoa, quân đội; 9 điểm/3 môn đỗ các trường sư phạm… khiến các phụ huynh lo lắng năm học này con em mình tiếp tục trở thành "chuột bạch" cho các cuộc thí điểm của Bộ GD-ĐT. Lãnh đạo một trường ĐH cho hay ông kỳ vọng năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ có những thay đổi hợp lý hơn để việc thi cử, tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng thực chất, hạn chế những vô lý như ở kỳ thi vừa qua.
Bà Vũ Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), cho biết tâm tư của phần đông nhà giáo là nếu ngành GD-ĐT có những đổi mới hay thay đổi gì trong các kỳ thi, nhất là kỳ thi THPT quốc gia thì nên có thông tin sớm để nhà trường chủ động trong việc giảng dạy, học sinh chủ động học tập. Vì suy cho cùng, cách kiểm tra, đánh giá thi cử sẽ tác động trực tiếp lên cách dạy và học trong nhà trường. "Kỳ thi THPT quốc gia năm vừa rồi có các bài thi tổ hợp là một đổi mới hợp lý của ngành. Nhưng những năm tiếp theo, nếu có gì khác, bộ nên công bố sớm, nhất là các đề thi minh họa" - bà Dung bày tỏ.
Bà Vũ Thị Thu Dung cũng tâm tư rằng hiện nay ngành GD-ĐT đang hướng tới việc dạy học theo phương châm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh. Thế nhưng, trong chương trình lại quá ít những tiết học thực hành, trải nghiệm sáng tạo. Bản thân nhà trường và giáo viên rất muốn cho các em học sinh có thời gian, có những tiết học từ thực tế sinh động, chân thực nhưng quỹ thời gian ít ỏi không cho phép nhà trường tổ chức được nhiều. Hầu như học sinh lớp 12 chỉ còn thời gian để học trên lớp, ôn tập cho thi cử.
Trong khi đó, cô Trương Thị Cẩm Thu, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Tân Phong (quận 7, TP HCM), lại kỳ vọng ở ngành sự đổi mới sâu rộng và triệt để hơn nữa. Cô Thu cho rằng hiện nay học sinh rất chủ động. Chính vì thế bản thân người giáo viên cũng mong mỏi được chủ động trong cách dạy. Giáo viên muốn được thoát khỏi những khuôn mẫu thông thường để dạy cái mà học sinh cần. Ví dụ như những bài học đạo đức trong sách giáo khoa lớp 10, thay vì thụ động trên lớp thì nên để các em có những cảm nhận, trải nghiệm nơi các mái ấm tình thương, nhà mở… Chỉ có trải nghiệm các em mới có cảm xúc thực sự và những bài học sẽ được rút ra từ thực tế cuộc sống.
"Nếu ngành GD-ĐT chú trọng đổi mới thì nên có thật nhiều tiết học ngoài nhà trường. Riêng với đề thi, cách kiểm tra đánh giá vẫn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Như bài thi môn giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua dù được đánh giá là hay, đổi mới nhưng vẫn còn an toàn quá, còn ít những câu hỏi xuất phát từ thực tế. Nên bổ sung những tình huống thực tiễn gần gũi với lứa tuổi, đời sống của học sinh hơn" - cô Thu đặt vấn đề.
Mong thu nhập đủ sống
Thầy Phạm Văn Kê - Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) - cho rằng rất nhiều giáo viên đang không sống được bằng lương. Mong muốn của họ chỉ đơn giản là có được một cuộc sống thanh đạm mà không phải đi kiếm thêm bằng nhiều cách. Rất nhiều đồng nghiệp ở các tỉnh đã từng chia sẻ rất thật lòng rằng họ chỉ mong có thu nhập đủ sống bởi họ không muốn mang tiếng phải lấy dạy thêm là phương tiện cải thiện thu nhập vì chưa sống được bằng lương.
Bình luận (0)