Giám đốc ĐHQG TP HCM Vũ Hải Quân
Tại buổi làm việc, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM đã nêu những kiến nghị của đại học này đối với Chính phủ, bộ - ngành. Cụ thể:
Thứ nhất, kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung đã kiến nghị trong Đề án "Phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu Châu Á".
Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết phát triển 6 vùng chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các trường đại học. Ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Theo đó, ĐHQG TP HCM được Thủ tướng tin tưởng giao chủ trì Đề án "Phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á". Đề án này thuộc Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24, với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam; kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ.
Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm đầu châu Á; phát triển ĐHQG TP HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với các trung tâm của khu vực và thế giới.
Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với 2 ĐHQG và các bộ, ngành
Đầu tháng 8, ĐHQG TP HCM đã hoàn thành dự thảo đề án này và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là định hướng quan trọng để ĐHQG TP HCM tiếp tục sứ mệnh của mình là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Thứ hai, kiến nghị giao ĐHQG TP HCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về ĐHQG và Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cụ thể Nghị định cần làm rõ quy định trong Khoản 2, Điều 8 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 "ĐHQG có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy".
Thứ tư, kiến nghị cần xem xét và bổ sung, làm rõ các nội dung quy định về các danh hiệu thi đua, cờ thi đua và bằng khen cấp ĐHQG, kết quả thi đua, khen thưởng cấp ĐHQG được công nhận tương đương cấp bộ, ngành và được tích lũy khi xét khen thưởng cao hơn theo Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 có hiệu lực ngày 1-10-2024 đã quy định ĐHQG được trình trực tiếp Thủ tướng các hình thức khen thưởng cấp nhà nước tương đương các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ.
Thứ năm, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bố trí lại số vốn đã bị hủy do chưa giải ngân hết trong các năm trước đây đối với dự án bồi thường giải phóng mặt bằng của ĐHQG TP HCM tại tỉnh Bình Dương và TP HCM để kịp thời bổ sung vốn đẩy nhanh và dứt điểm công tác giải phóng măt bằng tại Khu đô thị ĐHQG TP HCM.
Theo báo cáo, ĐHQG TP HCM đang đào tạo gần 95.000 sinh viên ĐH chính quy, hơn 8.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh. Dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế với 126 chương trình. Thuộc top 1.000 các trường ĐH tốt nhất thế giới (QS World). Năm 2022, ĐH này đã công bố gần 2.300 bài báo quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus, là đơn vị có số lượng công bố nhiều nhất cả nước.
Mục tiêu đến năm 2030, ĐH này sẽ thuộc top 100 trường ĐH hàng đầu châu Á. Theo đó: (1) Đào tạo tốt nghiệp khoảng 140.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ; (2) Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt trên 90%; (3) Công bố hơn 35.000 bài báo khoa học trong danh mục Scopus; (4) Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với tổng diện tích sàn xây dựng 42.000 m2; (5) Các chương trình đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học nằm trong tốp 50 của châu Á.
Bình luận (0)