Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 15-7 đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về phương án tổ chức thi tốt nghiệp và thi tuyển ĐH, CĐ năm 2015.
Mục tiêu “2 trong 1”
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngay từ năm 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Trước đây, tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013-2014, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 13-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu xem xét phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để đánh giá việc tốt nghiệp THPT và tuyển lựa các thí sinh đủ năng lực vào ĐH, CĐ.
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng nói bộ này đang trao đổi, tính toán, sau đó tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, kỹ càng để đưa ra phương án về một kỳ thi quốc gia chung.
Tiến tới một kỳ thi chung, Bộ GD-ĐT đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Trong đó, thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn). Ngoài ra, thí sinh nào có nguyện vọng thi thêm môn nào nữa thì có thể đăng ký để phù hợp với nhu cầu được xét tuyển ĐH.
Phải thi thực chất
Khi được hỏi về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, PGS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết ông rất đồng tình với phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia vì không chỉ tiết kiệm hơn rất nhiều mà còn giảm căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, kỳ thi này phải được tổ chức nghiêm túc như kỳ thi ĐH. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng nên tổ chức kỳ thi quốc gia nhưng với điều kiện phải chống được bệnh thành tích. Thi nghiêm túc, có độ tin cậy cao, kết quả sẽ được xã hội thỏa mãn cũng như các trường ĐH, CĐ lấy được những thí sinh có năng lực thực sự.
Theo PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, nếu hiểu theo nghĩa kỳ thi quốc gia vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để các trường ĐH, CĐ làm căn cứ xét tuyển hoặc sử dụng để sơ tuyển thì nên tổ chức kỳ thi này. Thực tế, đó là bước nâng cao hơn về chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT nên sang năm 2015 hoàn toàn có thể thực hiện được mà không có gì sốc.
Ông Thắng nói thêm: “Đã từng có ý kiến cho rằng nếu chúng ta làm chặt, tỉ lệ tốt nghiệp chỉ 70% thì lấy đâu ra cơ sở vật chất cho 30% còn lại học năm sau. Nhưng tôi cho rằng có thể giải được bài toán này bằng cách tổ chức 2-3 đợt thi. Tháng 5-6 có thể tổ chức đợt 1, ai đỗ thì có cơ hội được xét tuyển vào ĐH; đợt 2 tổ chức vào giữa tháng 7, thí sinh đỗ đợt này có thể dùng kết quả để xét tuyển ĐH hoặc học nghề… Làm cách này vừa bảo đảm chất lượng của kỳ thi vừa phân luồng được học sinh”. Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, nếu tổ chức kỳ thi chung để bắt buộc các trường phải xét tuyển mà không tổ chức thi thì không phải là phương án hợp lý.
Cần có thời gian làm quen
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu sâu thêm phương án tổng hợp tiến tới dần tích hợp các môn thi, tránh tình trạng học lệch, đồng thời vẫn phát hiện được năng khiếu sở trường của từng học sinh làm cơ sở cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Được biết, trong một số buổi làm việc của Phó Thủ tướng với Bộ GD-ĐT và các chuyên gia về giáo dục trước đây, phương án 4 bài thi đã được đưa ra, gồm: toán, tin học; văn, sử, địa, giáo dục công dân; lý, hóa, sinh, công nghệ; ngoại ngữ.
TS Nguyễn Tùng Lâm đánh giá việc bỏ bớt một kỳ thi tốn kém và tích hợp các môn thi là để tránh tình trạng học lệch ngay từ phổ thông. Tuy nhiên, học sinh và giáo viên phải có thời gian làm quen với những bài mẫu. Xu hướng tích hợp trên thế giới làm đã lâu. Tích hợp rất hay nhưng thầy và trò phải làm quen thì mới hình dung ra đề bài và cách làm bài. Để tránh những khó khăn, bất cập ban đầu, ngay trong năm học tới phải tổ chức đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ thật thực chất. Phải giáo dục cho người học nhận thức được không thể dựa vào tiêu cực hay trông chờ vào sự nương nhẹ của thầy cô.
Bình luận (0)