Hội thảo “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp” đã được Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 23-1. Không bàn nhiều về vấn đề đầu tư, ý kiến của các đại biểu chủ yếu xoay quanh tâm lý xã hội đối với hệ đào tạo này.
Ông Bùi Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Chuyên nghiệp (TCCN) Tây Nam Á, cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết được tâm lý xã hội. Theo ông Oánh, phụ huynh và học sinh đều nhắm mục tiêu là học ĐH, CĐ chứ không phải trung cấp. Để giải quyết được tâm lý này, các trường cần phải tuyên truyền để phụ huynh và học sinh hiểu học TCCN hoàn toàn có thể liên thông lên CĐ, ĐH. Bên cạnh đó, một khâu quan trọng khác là các trường phải cải tiến chương trình, nội dung để nâng cao chất lượng dạy học.
Ông Nguyễn Hồng Giáp, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tân Thanh, đề nghị cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nhà trường. Lâu nay, doanh nghiệp thường than phiền chất lượng đào tạo chưa tốt nhưng lại không hỗ trợ trường trong việc tạo chỗ thực tập cho sinh viên.
Đồng tình với ý kiến này, TS Đỗ Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục chuyên nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng cho rằng việc tìm chỗ thực tập cho học sinh hệ trung cấp rất khó. Theo ông Cường, khâu yếu nhất trong đào tạo ở bậc trung cấp hiện nay là các trường chưa giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh.
Học sinh Trường Trung cấp Nghề Tôn Đức Thắng trong giờ thực hành điện
Bên lề hội thảo, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định để giáo dục chuyên nghiệp ở TP phát triển, có các vấn đề lớn cần giải quyết, như: Phải xây cơ sở cho các trường TCCN để trường ra trường, lớp ra lớp; phải bảo đảm chất lượng dạy học để học sinh ra trường có việc làm.
“Cách đây khoảng 3 năm, ngành GD-ĐT TP đã tổ chức một hội thảo tương tự ở bậc trung học. Đến nay, được sự quan tâm của TP và các địa phương, số lượng trường lớp đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi hy vọng sau hội thảo này, trường lớp cho bậc TCCN cũng tăng lên. Về chất lượng dạy học, đánh giá chung thì chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhưng nhiều nơi đã bảo đảm được chất lượng, nhất là hệ thống trường công lập” – ông Minh cho biết.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường thường có xu hướng thu học phí cao. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng đầu tư là vấn đề rất quan trọng đối với GD-ĐT nhưng không phải là tất cả. Ông nhận xét: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, không phải chỉ chăm bẳm nâng học phí đối với học sinh mà trước tiên phải là đầu tư của Nhà nước”.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là hầu hết các trường hiện chỉ đào tạo những ngành ít phải đầu tư phương tiện, máy móc. Theo giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đó là thực tế nên các trường công lập vẫn được đầu tư để giữ thế chủ động trong hệ thống giáo dục quốc gia. “Nhà nước luôn khuyến khích các nhà đầu tư nhưng rõ ràng họ thường chọn những ngành nghề đầu tư ít, dễ cho họ chứ không ai muốn bỏ vốn vào những ngành nghề khó, tốn kém... Về phía Nhà nước, vẫn phải chủ đạo để cân bằng lực lượng theo nhu cầu xã hội” – ông Minh nhìn nhận.
Ông Minh cho biết có nhiều mục tiêu mà ngành GD-ĐT TPHCM đặt ra sau hội thảo này. Trước tiên là giải quyết được nhận thức để người làm công tác giáo dục chuyên nghiệp có định hướng phải làm gì, cần tập trung ưu tiên vào mảng nào, chỗ nào trọng tâm... Tiếp đó, hội thảo là dịp để những cơ quan có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương chia sẻ được với ngành GD-ĐT TP những vấn đề của giáo dục chuyên nghiệp.
Bình luận (0)