Sáng 5-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tới dự lễ khai giảng năm học mới cùng hơn 2.800 học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Hà Nội: Điển hình dạy tốt, học tốt
Phát biểu tại lễ khai giảng ngôi trường được coi là giàu thành tích nhất của Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ mong muốn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ làm tròn sứ mạng lịch sử của mình trên cơ sở kế thừa truyền thống một cách xuất sắc. Nhà trường sẽ tiếp tục là mô hình quản lý giáo dục tốt nhất của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung, trường sẽ là cái nôi đi đầu trong cả nước về quản lý tốt, dạy tốt và học tốt.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - TPHCM trong ngày khai giảng 5-9. Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh năm học này là năm đầu tiên Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, thực hiện mục tiêu cải cách và đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân, nâng cao một bước chất lượng dạy và học. Đảng, Nhà nước quyết tâm nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT nguồn nhân lực có tri thức, trình độ cao làm nòng cốt thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành giáo dục, các bậc phụ huynh cùng học sinh làm tốt việc xây dựng môi trường giảng dạy, tạo lập cơ sở vật chất để chăm sóc đầy đủ nhất, tốt nhất cho học sinh.
TPHCM: 59 dự án chưa thể khởi công
Sáng 5-9, hòa cùng tiếng trống khai trường của học sinh cả nước, gần 1 triệu học sinh TPHCM chính thức bước vào năm học mới. Năm học 2011-2012, ngành GD-ĐT TPHCM đưa vào sử dụng 1.095 phòng học mới; tổng kinh phí sửa chữa, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị là 853 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình hình dân số ở TP tăng khá nhanh nên trường lớp vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì vậy, xây dựng trường lớp, trang thiết bị là một trong 5 nhiệm vụ cụ thể của năm học được ngành GD-ĐT TP đặt ra.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, năm nay, 59 dự án xây dựng trường học tại TP với hơn 1.000 phòng học không khởi công được do cắt giảm đầu tư công. “TPHCM sẽ thiếu phòng học một cách trầm trọng nếu những dự án này không được khởi công” – ông Nam nhận định.
ĐBSCL: Nâng cấp hệ thống trường lớp
Tại TP Cần Thơ, năm học này có 208.708 học sinh các cấp với tổng số 408 trường học, trung tâm. Ông Võ Minh Lợi, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho năm học mới cơ bản đã hoàn tất. Đối với những em con thương binh, liệt sĩ, sở cũng đã cấp phát miễn phí 2.275 bản sách giáo khoa để các em có điều kiện học tập”.
Năm học mới này, toàn tỉnh Vĩnh Long có gần 200.000 học sinh các cấp tựu trường. Tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 98%. Đội ngũ cán bộ giáo viên trên 14.000 người, bảo đảm công tác quản lý, giảng dạy cho các bậc học.
Từ ngày 3 đến 5-9, hơn 500 ngôi trường ở Cà Mau đã tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học 2011-2012. Toàn tỉnh có 210.000 học sinh đến trường. Nhiều năm qua, ngành giáo dục Cà Mau đã nâng cao chất lượng, hệ thống trường lớp, trang thiết bị từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Miền Trung - Tây Nguyên: Ngăn chặn học sinh bỏ học
Cùng ngày, gần 200.000 học sinh TP Đà Nẵng bước vào năm học mới. Cũng trong ngày khai giảng, NXB Giáo dục đã tặng sách giáo khoa cho học sinh TP Đà Nẵng là con thương binh, liệt sĩ với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, sở cũng vừa xét tuyển vào biên chế 66 giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội đang công tác tại các trường THPT để bổ sung cho các trường vùng núi, vùng khó khăn. Hiện tất cả đã nhận công tác, giúp các trường giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Gần 1,5 triệu học sinh ở các tỉnh Tây Nguyên tưng bừng chào đón năm học mới vào ngày 5-9. Tại Đắk Lắk, vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được ưu tiên đặc biệt.
Xây dựng trường học phòng chống thiên tai
Bình luận (0)