Đó là một trong những điểm mới trong định hướng tuyển sinh năm 2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông tin tại Hội nghị hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sở ĐH và trường sư phạm. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe nhưng còn băn khoăn về quy định điều kiện xét tuyển.
Áp sàn để chọn "nguyên liệu tốt"
Kỳ tuyển sinh năm 2018, Bộ GD-ĐT chỉ áp dụng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành sư phạm. Với các ngành, nhóm ngành khác, các trường sẽ tự xác định điểm sàn. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh năm 2018 nhiều trường đưa ra mức điểm xét tuyển, kể cả nhóm ngành sức khỏe rất thấp khiến xã hội lo ngại về chất lượng nhân lực nhóm ngành sức khỏe.
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM thực tập tại bệnh viện Ảnh: TẤN THẠNH
Điểm qua một số trường ĐH có thể thấy năm 2018, mức điểm xét tuyển các trường đưa ra rất thấp. Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mức điểm xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia ban đầu trường đưa ra chỉ 12 điểm đối với các ngành: kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng; 13 điểm đối với ngành dược học. Ở phương án xét tuyển theo học bạ, điểm xét tuyển đồng thời trúng tuyển cũng lần lượt là 18 và 19. Mức điểm xét tuyển sau đó được trường điều chỉnh lần lượt lên 14 và 16. Còn tại Trường ĐH Đại Nam, mức điểm xét tuyển vào ngành dược, điều dưỡng được trường đưa ra là 13…
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe trong thời gian qua là đáng báo động bởi thiếu sự kiểm soát. Không chỉ với hệ đào tạo chính quy mà hệ đào tạo liên thông cũng rất bát nháo. Do vậy, siết chất lượng ngay từ đầu vào là việc làm rất cần thiết, cách chọn "nguyên liệu tốt" cho quá trình đào tạo.
Theo TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM, hiện nay, ngoài các trường y, khoa y luôn có điểm cao ngất (điểm sàn có thể không ảnh hưởng đến các trường này) thì nhiều trường mới được mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe cho nên quy định để tránh có trường gọi điểm quá thấp.
Cùng quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng quy định điểm sàn đối với nhóm ngành đào tạo sức khỏe là đúng đắn nhằm ngăn chặn các trường tuyển thí sinh có điểm đầu vào thấp, điều đó ảnh hưởng nhiều đến quá trình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.
Băn khoăn về xét tuyển học sinh giỏi
Các trường ĐH như Y Dược TP HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch… không tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ mà chỉ xét bằng kết quả thi THPT quốc gia, tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT hay xét tuyển kết hợp mà chỉ những trường ngoài công lập mới xét tuyển học bạ. Một vấn đề đặt ra là quy định học sinh có học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển vào khối ngành sức khỏe liệu có quá cao? Có phù hợp đối với việc xét tuyển ĐH?
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP HCM cho rằng việc đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe là phù hợp vì nó liên quan đến tính mạng con người sau này. Với việc xác định điểm sàn khi xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì không có gì phải tranh luận nhưng quy định xét học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi thì Bộ GD-ĐT cần xem lại. Vị này cho rằng để xếp loại giỏi, điểm trung bình của học sinh phải từ 8.0 trở lên kèm điều kiện phụ là toán hoặc văn từ 8.0 trở lên, các môn khác không dưới 6,5. Cách của bộ là xét học sinh giỏi toàn diện trong khi tuyển sinh để đào tạo cần những học sinh có tố chất ở những lĩnh vực khác nhau. Thay vì yêu cầu học sinh có học lực lớp 12 xếp loại giỏi thì quy định điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển sẽ phù hợp hơn.
Theo đại diện các trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe, quy định xét tuyển bằng học bạ đối với học sinh có học lực giỏi lớp 12 không những không phù hợp mà còn quá cao có thể ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường. Ngay như nhóm ngành sư phạm, năm 2018, khi bộ áp dụng điểm sàn thì các trường ĐH, CĐ sư phạm tuyển cũng chỉ đạt 76,84% chỉ tiêu.
Tuy nhiên, TS Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho rằng việc quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm và sức khỏe được quy định trong luật nên phải thực hiện. Bài toán về chất lượng và nguồn tuyển của các trường là 2 việc khác nhau nên khó có thể dung hòa.
Bình luận (0)