Sau 5 ngày chấm, cụm thi Trường ĐH Vinh (Nghệ An) đã xuất hiện nhiều điểm 8, 9, 10 ở các môn toán, ngữ văn, lịch sử… Riêng môn địa lý có 3-4 thí sinh (TS) đạt điểm tuyệt đối 10. Điểm thi dao động ở khoảng từ 5 đến 8 điểm, tuy nhiên cũng xuất hiện những bài thi điểm dưới trung bình.
Nhiều điểm 9, 10
Ông Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc (đơn vị chủ trì cụm thi 19 tại Sơn La), chia sẻ cụm thi tỉnh Sơn La đã xuất hiện nhiều điểm 9 ở các môn ngữ văn, lịch sử và địa lý. Riêng môn địa lý có TS đạt 9,75 điểm, phổ điểm nhiều nhất dao động từ 5 đến 8 điểm. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số điểm 1 và điểm 2 ở tất cả các môn thi. Dự kiến từ nay đến ngày 12-7, hội đồng chấm thi của Trường ĐH Sơn La sẽ kết thúc chấm vòng 1, sau đó tiến hành chấm vòng 2.
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết nhìn chung, phổ điểm toán năm nay của TS thi ở cụm này tập trung ở mức 6,5-7,5 điểm. Tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, điểm cao nhất môn toán là 9, môn văn là 8, phổ điểm từ 5-7 điểm. Dự kiến, nhà trường sẽ kết thúc công tác chấm thi vào ngày 16-7.
GS Trịnh Minh Thụ, Trưởng Ban Chấm thi cụm thi Trường ĐH Thủy lợi, cho biết đã chấm được 50% số lượng bài thi, cả 2 vòng. Cụm thi này đã có TS đạt điểm 9 môn lịch sử, nhiều điểm 9 môn toán và có cả điểm 10, phổ điểm rơi vào 5-7. Với kết quả thi này, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự kiến điểm xét tuyển sẽ phải nâng lên so với năm trước.
Hoàn thành chấm thi trước 20-7
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết tại các hội đồng chấm thi, bắt buộc phải thực hiện việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 5% số bài thi/môn để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, trong thời gian chấm thi và sau khi có kết quả chấm thi, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, Bộ GD-ĐT sẽ chấm thẩm định. Theo quy chế, bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25, không quy tròn điểm.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước ngày 20-7, các cụm thi phải hoàn thành công tác chấm thi và gửi kết quả về bộ. Để kịp tiến độ, phần lớn các trường chủ trì cụm thi đều phải nhờ giảng viên và giáo viên các trường khác đến chấm.
Đối với quy định về xét tuyển vào ĐH, CĐ, từ ngày 30-7, các hội đồng thi do trường ĐH chủ trì sẽ in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho TS đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay sẽ phức tạp hơn các năm trước. Sau khi có phổ điểm, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng xét tuyển đầu vào. Từ ngưỡng này, bộ công bố bảng nguyên tắc tổ hợp xét tuyển các môn thi. Trên cơ sở nguyên tắc đó, các hội đồng tuyển sinh của các trường sẽ xác định được ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho từng tổ hợp môn thi đặc thù của trường mình.
Từ ngày 1 đến 20-8, các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 (NV). Trước ngày 25-8, các trường sẽ phải công bố điểm trúng tuyển NV 1. TS không trúng tuyển NV 1 sẽ xét tuyển bổ sung ở 4 NV tiếp theo từ ngày 25-9 đến 15-11.
10 ngày cho phúc khảo
Trước ngày 25-7, các sở GD-ĐT phải hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT, các sở nhận đơn phúc khảo bài thi thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi. Từ ngày 27-7, hiệu trưởng các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và trả học bạ cho TS.
Bình luận (0)