Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, hầu hết các địa phương đều đạt tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 100%. Dư luận xã hội hoài nghi đây là con số ảo, hậu quả của căn bệnh chạy theo thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục từ việc chấm bài, xếp học sinh “ngồi nhầm lớp”, loại học sinh yếu kém cho đến các hành vi gian lận phổ biến trong kỳ thi.
Điều này đặt ra trước xã hội vấn đề có cần thiết phải tổ chức kỳ thi này và nên thay đổi như thế nào để thi cử đúng thực chất?
Quá nhiều bất cập
Tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng một tháng, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ nhiều năm nay thể hiện rõ sự cồng kềnh, tốn kém, gây căng thẳng cho toàn xã hội.
Phải khách quan thừa nhận rằng các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thực hiện nghiêm túc hơn các kỳ thi tốt nghiệp THPT nên kết quả khá sát với trình độ của thí sinh (tỉ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên ở các môn thi chỉ từ 50% trở xuống). Thế nhưng, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ lại tồn tại quá nhiều bất cập.
Việc tuyển chọn thí sinh vào ĐH cần tập trung vào khả năng tư duy và những kỹ năng nghiệp vụ thích hợp với ngành nghề đào tạo thay vì thi lại kiến thức phổ thông như hiện nay. Do đó, kỳ thi tuyển sinh quốc gia với 4 khối kiến thức A-B-C-D thực chất chỉ là một giải pháp tình thế thay cho việc phân ban ở trường phổ thông vốn bất hợp lý và không phù hợp.
Không đặt nặng tỉ lệ tốt nghiệp
Trong 2 kỳ thi quốc gia (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ), mỗi kỳ thi đều có mục tiêu khác nhau nên không thể ghép thành một kỳ thi chung. Nếu phải lựa chọn để duy trì một trong 2 kỳ thi thì nên bỏ kỳ thi ĐH và kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới theo hướng bảo đảm giá trị đích thực của nó.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc đánh giá mục tiêu giáo dục phổ thông 12 năm trên bình diện toàn quốc, là sự xác nhận trình độ học vấn chung của dân tộc nên cần duy trì. Nhưng kỳ thi này phải được thiết kế lại, trên cơ sở một chương trình học phân ban hợp lý ở bậc THPT, đồng thời phải triệt để chống bệnh chạy theo thành tích bằng cách sửa đổi cơ chế quản lý, cắt giảm những chỉ tiêu và quyết định từ cấp trên áp đặt cho cấp dưới, trao quyền tự chủ và tự quyết định cho những người trực tiếp thừa hành ở cơ sở, không lấy tỉ lệ tốt nghiệp làm thước đo thành tích thi đua và năng lực giáo viên.
Khi chương trình THPT đã được phân ban hợp lý và kết quả học tập của học sinh được đánh giá đúng trình độ thực chất qua kỳ thi tốt nghiệp thì kết quả đó hoàn toàn có thể sử dụng cho tuyển sinh ĐH.
Bình luận (0)