Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại động viên rằng bộ có nhiều cách hỗ trợ để các trường bảo đảm nguồn tuyển sinh với lập luận số thí sinh đạt điểm sàn sau khi các trường công lập tuyển còn nhiều hơn cả số chỉ tiêu các trường ngoài công lập cần tuyển. Điều này rất đáng bàn vì hầu hết các thí sinh đều thi hai kỳ ĐH nên số đạt điểm sàn luôn nhiều hơn số thực có là đương nhiên.
Báo chí đã nêu có hàng chục thí sinh đạt thủ khoa ở cả hai trường thi. Có không ít thí sinh đạt điểm sàn nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1 lại cũng không tham gia xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 mà tiếp tục ôn tập để sang năm thi tiếp theo nguyện vọng 1 của mình. Lại có nhiều thí sinh đạt điểm sàn nhưng chấp nhận đi học tại chức ở các trường công lập hay các trường có yếu tố nước ngoài ở trong nước. Số sinh viên học tại chức ở các trường công lập hiện nay bằng 1/2 tổng số sinh viên các trường ngoài công lập (khoảng gần 1 triệu người). Chưa kể nhiều học sinh có điều kiện đi du học.
Tuyển sinh được hay không là điều kiện sống còn của các trường ngoài công lập. Vì vậy, nhiều trường tìm mọi biện pháp để tuyển sinh mà xưa nay chưa từng có, như tặng quà cho thí sinh, giảm giá học phí, thậm chí tặng tiền cho người môi giới... Dư luận đã lên án việc tung tiền “dụ” thí sinh là phản giáo dục hay xem thí sinh là những món hàng, là hình thức thương mại hóa giáo dục.
Do đó, thay vì lên án những trường nói trên, chúng ta nên xem xét lại việc tuyển sinh hiện nay đã phù hợp với thực tế chưa. Mặt khác, vừa qua, nhiều trường đang vận dụng Quy chế 33 để tuyển sinh đào tạo nhân lực cho địa phương. Từ đó có tình trạng như năm vừa rồi, có thí sinh 8 điểm đã được vào ĐH và 5 điểm đã được vào CĐ. Rõ ràng điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định đã không kiểm soát nổi và nó đang bị xé rào, lọt lưới.
Nghịch lý là trong lúc các trường ngoài công lập đang gặp khó khăn về tuyển sinh do điểm sàn cản trở thì các trường ĐH nước ngoài hay có yếu tố nước ngoài không bị cản trở về quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nên họ tung băng rôn, áp phích, tờ rơi vào các trường THPT hay giao lưu trực tuyến để tuyển sinh.
Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An, nói Bộ GD-ĐT chỉ cấm các trường ở Việt Nam chứ không cấm các trường quốc tế. Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Quảng Nam cũng cho rằng Bộ GD-ĐT tìm mọi cách bảo vệ “nồi cơm” của trường công như vậy là “giết chết” các trường ngoài công lập.
Nên chăng trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn để hạn chế những vấn đề như đã nói. Chất lượng tuyển sinh tốt hay không phụ thuộc nhiều yếu tố chứ không riêng gì dựa vào điểm sàn. Hơn nữa, lâu nay có điểm sàn thì chất lượng tuyển sinh thế nào cũng đã rõ.
Bình luận (0)