Mục đích là để đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của các ngành đào tạo, tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường và tăng cơ hội đăng ký dự thi của thí sinh. Đây là một chủ trương đúng, tạo điều kiện khích lệ học sinh học tốt hơn môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu dự thảo thông qua, chắc chắn nhiều trường và thí sinh sẽ không kịp trở tay do các nguyên nhân sau:
- Nếu năm nay các trường ĐH tuyển sinh thêm khối A1 thì học sinh khó có thể ôn thi kịp. Nhiều thí sinh lâu nay đã ôn khối A, nay muốn ôn sang khối A1 sẽ rất khó. Không phải học sinh nào thi khối A cũng đủ kiến thức môn ngoại ngữ để thi khối A1 và ngược lại, cũng có rất ít học sinh thi khối D có thể học thêm môn lý để thi khối A1.
- Cũng theo dự kiến, thí sinh dự thi khối A1 sẽ thi cùng đợt, cùng đề với thí sinh dự thi khối A nhưng thay vì thi môn hóa khối A thì thí sinh thi khối A1 sẽ thi môn ngoại ngữ. Thí sinh dự thi khối A1 nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được xét tuyển vào những ngành, trường có cùng khối khi. Như vậy, nếu thí sinh dự thi khối A1 thì việc xét tuyển nguyện vọng 2 như thế nào nếu các trường khác không sử dụng kết quả của những trường thi riêng. Hơn nữa, nếu có khối A1, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức quyết định thí sinh thi đề toán của khối A hay đề toán của khối D?
- Nếu thêm khối A1, liệu có nhiều cơ hội xét tuyển nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 hay không? Bởi lẽ đây là khối thi mới nên chắc chắn các trường sẽ đăng ký không nhiều. Hơn nữa, khối A1 thi cùng đợt với khối A thì chắc chắn thí sinh sẽ không chọn nhiều. Ngược lại, nếu thi khác đợt thì đa số thí sinh thi khối A sẽ thử sức ở khối mới, như vậy, thí sinh ảo của khối A sẽ tăng.
Đây mới chỉ là định hướng nên còn phải được đưa ra bàn luận, xem xét và quyết định trong cuộc họp hội nghị tuyển sinh toàn quốc vào ngày 14-1. Nhưng nếu vẫn quyết thêm khối thi mới thì Bộ GD-ĐT nên có lộ trình, không nên đến cận ngày thi mới ban hành. Lúc đó học sinh sẽ không kịp trở tay.
Bình luận (0)