GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), đề nghị nên tách phần thi và phần tuyển. Phần thi, từng trường ĐH khó có thể tổ chức. Do đó, cần một kỳ thi chất lượng nên Bộ GD-ĐT có thể đứng ra tổ chức. Đến tuyển sinh, từ điểm của kỳ thi đó cho các trường tự quyết và không cần phải có điểm sàn.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng đề nghị bộ nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ vì mỗi trường có một yêu cầu khác nhau đối với từng ngành nghề học. Ông Võ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô, cho rằng với kỳ thi năm 2016, bộ nên giao cho các sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Bộ chỉ làm công việc ban hành quy chế, thanh tra, quản lý và ra đề thi. Tuyển sinh ĐH, bộ ban hành quy chế, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh rồi kiểm tra các trường thực hiện.
Một vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm đó là thi tốt nghiệp THPT. GS Lâm Quang Thiệp khẳng định bộ nên giao kỳ thi này về cho các sở GD-ĐT tổ chức vì bộ có “ôm” cũng không chuẩn hóa được cả nước. Mạnh mẽ hơn, PGS Văn Như Cương cho rằng đánh giá kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cả 3 nội dung: giảm căng thẳng, giảm tài chính, chọn đúng năng lực thí sinh đều chưa đạt mục tiêu. Nguyên nhân do bộ giao việc không đúng và ôm công việc quá nhiều, đáng lẽ nên giao và tin tưởng người được giao. Vì vậy, với kỳ thi năm 2016, PGS Văn Như Cương đề nghị cần phân tích, đánh giá lại. “Tôi xin nói không có cách gì vừa tốt nghiệp vừa đánh giá năng lực học sinh. Tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp giao cho sở và làm nhẹ nhàng. Có thể đánh giá năng lực như ĐHQG có tất cả các câu hỏi rồi kết hợp với học bạ hoặc xem như thi học kỳ 2 của lớp 12. Tôi nghĩ tốt nghiệp đến 99% hay 100% cũng không có vấn đề gì. Còn thi ĐH thì giao quyền tự chủ cho các trường, các trường có quyền lựa chọn mô hình phù hợp” - ông Cương đề xuất.
Trước ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định bộ sẽ tiếp thu ý kiến và hoàn chỉnh phương án thi cho năm 2016.
Bình luận (0)