Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) vừa tổ chức tọa đàm "Giải mã nỗi cô đơn trong học đường". Tại đây, nhiều giáo viên (GV) và các khách mời tham dự đã có cái nhìn thẳng thắn và những giải pháp xung quanh vấn đề đáng lo ngại này.
Nỗi cô đơn đáng sợ
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết hiện nay giới trẻ thường cảm thấy cô đơn dù ở trong lớp học hay gia đình. Cảm giác cô đơn khiến các em chọn sự im lặng, không chơi với ai, không trò chuyện cùng ai. Nhiều em đã tự tìm đến giải pháp tiêu cực để giải tỏa nỗi cô đơn.
Kể lại câu chuyện do chính mình là người chứng kiến, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, khiến cả hội trường lặng đi: "Dù sống trong gia đình nhưng em luôn cảm thấy chỉ có một mình. Cho đến một hôm em nghĩ nếu em biến mất liệu mọi người có quan tâm, có ai biết đến sự tồn tại của em. Đó là lời tâm sự của một em học sinh (HS) nói trực tiếp với tôi".
Câu chuyện của cô Thụy Anh không phải là trường hợp hiếm, vì theo các chuyên gia giáo dục, cô đơn trong học đường ngày càng đáng sợ. Thầy Lâm Vũ Công Chính, GV Trường THPT Nguyễn Du, kể lại cách đây 2 năm, có một nữ sinh gặp thầy nói muốn nghỉ học nhưng không rõ lý do. Nghe xong chuyện, tôi động viên em tiếp tục học và trao đổi với gia đình. Từ gia đình, tôi biết nữ sinh này thường nói chuyện một mình, bản thân em ít khi chia sẻ với mọi người, ít trò chuyện với các bạn. Em cũng thường tự làm đau mình. "Có những hôm 11 giờ đêm, em gọi cho tôi. Em nói: "Giờ con mệt quá, con muốn ngủ. Nếu con biến mất khỏi cuộc đời này hay con ngủ một giấc ngủ dài, con không biết con sẽ đi về đâu". Nghe em nói thế, tôi giả vờ điện thoại hết pin và gọi ngay cho phụ huynh nói tình hình của em và mong gia đình có thể xuống trò chuyện, ngủ cùng em. Cứ thế, sau những cuộc trò chuyện, được trải lòng, được thấu hiểu và có sự hỗ trợ về phía chuyên gia, nữ sinh kia dần tự tin trở lại. Hiện em đã là sinh viên năm 2 ĐH" - thầy Chính nhớ lại.
NSND Bạch Tuyết kể về câu chuyện của chính bản thân mình, bản thân bà là nghệ sĩ, đi diễn ở nhiều nước trên thế giới, khắp các nhà hát, gặp gỡ nhiều người nổi tiếng khác. Một hôm, có người hỏi con bà (lúc này được 5 tuổi) rằng cháu có tự hào khi có mẹ nổi tiếng được nhiều người biết hay không? Con bà nói nếu có thể, ước mong của cháu là đốt hết tất cả các nhà hát để mẹ có thời gian ở nhà với con. "Nghe con nói vậy khiến tôi sững sờ và nhìn lại mình. Có phải cả trước đây và hiện nay chúng ta cũng vậy. Cứ nghĩ con đã đủ đầy bằng việc đáp ứng các điều kiện sống hiện đại nhưng quên đi rằng thứ các con cần là tình cảm gia đình. Các con đang bị lãng quên trong chính những ngôi nhà và mái trường của mình" - NSND Bạch Tuyết đặt vấn đề.
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm
Xin đừng phán xét học trò
TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Huế, cho biết nhận diện nỗi cô đơn trong học đường không khó. Cô đơn có rất nhiều trạng thái, chẳng hạn như người đó thường xuyên nghe đi nghe lại một bản nhạc dù mình không yêu thích. Cô đơn còn là hay thức khuya và nhấn chìm bản thân trong bóng tối. Một biểu hiện nữa là người cô đơn không dám nhìn vào ánh mắt người đối diện, họ đặt niềm tin vào những mối quan hệ ảo. Và đặc biệt họ luôn cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, mơ hồ trong những cuộc vui chơi và luôn cảm thấy thất bại. Đứng ở góc độ tâm lý, cô đơn là một trạng thái cảm xúc rất khó chịu, gây cơ thể mệt mỏi, nó gây cản trở, khó khăn trong các mối quan hệ và khó khăn trong giao tiếp. "Do đó, nếu cảm giác này dồn nén quá lâu. Không được giải quyết kịp thời sẽ dễ dẫn đến stress, nguy cơ lớn nhất là kết liễu cuộc đời" - TS Nguyễn Thanh Hùng phân tích.
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh cho rằng một môi trường không phán xét sẽ khiến các em đẩy lùi nỗi cô đơn. Khi đó, các em cảm thấy an toàn, tự tin được là chính mình trong nội quy nhất định của trường.
Với phụ huynh, trước khi đưa con đến các lớp học để hoàn thiện, xin hãy cho trẻ một hành trình chầm chậm lại để trẻ hiểu chính mình, chấp nhận yêu thương bản thân rồi đến hoàn thiện. Đừng bỏ qua các hành trình mà vội vàng đẩy các em đi hoàn thiện, các em sẽ bị cô đơn trong quá trình chúng ta nuôi dạy như vậy. "Còn với các em HS, nếu chẳng may cảm giác cô đơn dẫn đến suy nghĩ tiêu cực thì khi suy nghĩ trên vừa xuất hiện, các em không được để bản thân một mình phải chống chọi với nó, phải ngay lập tức gọi điện với bất cứ ai, tìm gặp bất cứ ai để chia sẻ" - cô Thụy Anh khuyên.
NSND Bạch Tuyết cho rằng người nghệ sĩ rất nổi tiếng nhưng cũng có những lúc rất là cô đơn. Thực tế ai cũng sẽ trải qua sự cô đơn nhưng điều quan trọng chúng ta phải biết vượt qua nó bằng những năng lượng tích cực, bằng những thú vui lành mạnh, những môn nghệ thuật mình yêu thích.
Trong khi đó, thầy Lâm Vũ Công Chính chia sẻ rằng thầy cô với HS như cha mẹ chăm sóc con cái. Có những đứa con mình có thể cho nó tự do nhưng có những đứa con cần cha mẹ phải chăm sóc đặc biệt. Và những đứa con sẽ không cô đơn nếu có những thầy cô hết lòng yêu thương HS.
80% độ tuổi dưới 18 trải nghiệm cảm giác cô đơn
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh cho biết theo kết quả nghiên cứu của một tiến sĩ tâm lý học người Ấn Độ, 80% độ tuổi dưới 18 trải nghiệm cảm giác cô đơn. Trong khi chỉ có khoảng 40% trên 65 tuổi có cảm giác cô đơn. Tại sao dưới 18 tuổi tần số trải nghiệm cô đơn lại nhiều như vậy. Bởi đây là giai đoạn bạn đi tìm kiếm cái tôi, tôi là ai, tôi như thế nào, tôi phải làm sao để khẳng định mình. Để tìm được câu trả lời đó, bạn khao khát được yêu thương, trân trọng, được khẳng định mình. Vì thế nên khi đối diện với thất bại, với sự chối từ, không có ai hiểu mình, các bạn trẻ sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái cô đơn, không muốn chia sẻ cùng ai, chỉ muốn một mình.
Bình luận (0)