Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT cho hay, với nguồn ngân sách khá eo hẹp này, nhiều hoạt động sẽ bị cắt giảm mạnh chi phí, trong đó phải kể đến chi sự nghiệp nghiên cứu khoa học (NCKH) giảm tới 100 tỉ đồng so với năm 2013, tương đương 30%.
Kinh phí bị cắt giảm mạnh nhất là ở đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến. Ảnh: Tấn Thạnh - NLĐO
Bộ GD-ĐT cho hay, kinh phí bị cắt giảm mạnh nhất là ở đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến, từ hơn 61 tỉ năm 2013 xuống còn 33,7 tỉ năm 2014 (giảm 45%), tiếp theo là chi đào tạo cán bộ công chức từ 8 tỉ xuống còn 4,7 tỉ (giảm 41%), các đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài giảm từ 553 tỉ xuống 353 tỉ (giảm 36%), đề án xử lý nợ với Liên bang Nga từ 50 tỉ xuống còn 36 tỉ (giảm 28%)… “Trong hoàn cảnh ngân sách bị cắt giảm, quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT là ưu tiên bố trí kinh phí cho cơ sở, cho nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện, cho các trường sư phạm, hạn chế triệt để hội thảo, hội nghị, tập huấn, công tác phí nhất là đi nước ngoài”, ông Vũ nói.
Theo Kết quả giám sát giáo dục ĐH của Quốc hội, trong năm 2011-2012, số lượng đề tài, nhiệm vụ NCKH và công nghệ cấp Bộ GD-ĐT tăng gần 50% về số lượng so với năm học trước (150 đề tài so với 106 đề tài năm học 2010-2011), có khoảng 600 bài báo công bố kết quả nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế và gần 3.000 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy, các hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục ĐH vẫn được giao kinh phí theo đề tài, dự án như quy định hiện hành và chưa được phân bổ kinh phí hoạt động khoa học thường xuyên theo số lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Việc tăng cường gắn kết NCKH với đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ cũng như việc khai thác hiệu quả tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH, CĐ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài còn rất hạn chế; cơ chế, chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế đối với việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục ĐH còn chưa được quan tâm đúng mức.
Khi những hạn chế chưa được khắc phục thì việc Bộ GD-ĐT cắt giảm 30% ngân sách dành cho NCKH càng khiến cho những nhà khoa học vốn đã không tha thiết với NCKH thêm nản lòng. Hiện chúng ta có 10.453 giáo sư và phó giáo sư, trên 26.000 tiến sỹ nhưng mỗi năm chỉ cho ra đời số lượng các bài báo công bố quốc tế bằng khoảng số lượng của trường ĐH Chulalongkorn của Thái Lan. Một trong những rào cản khiến giảng viên ngại NCKH chính là nguồn đầu tư cho các công trình khoa học chưa xứng đáng; cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu còn thiếu, quyết toán đề tài cần rất nhiều giấy tờ, cho dù số tiền nhận được không đáng kể… Việc cắt giảm đến 30% ngân sách cho NCKH chắc chắn khiến việc NCKH thêm èo uột, thiếu hiệu quả do thiếu đầu tư.
Bình luận (0)