Đó là trường hợp của các ngôi trường Trường THPT Hưng Hội (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) và Trường Trung cấp Nghề tỉnh Bạc Liêu (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi). Hiện, 2 ngôi trường này đã và đang chuyển đổi công năng, sáp nhập nhưng tình trạng hoang phế vẫn không thay đổi.
Thiếu thực tế
Trường THPT Hương Hội do Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư, được xây dựng khang trang trên diện tích gần 1 ha. Trường được xây dựng theo thiết kế 1 trệt, 2 lầu với khoảng 12 phòng học. Tổng vốn đầu tư gần 15 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, sau 6 năm hoàn thành, ngôi trường này hiện vẫn bị bỏ hoang. Sân trường cây cỏ mọc um tùm, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Hưng Hội có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, từ trung tâm xã này đến TP Bạc Liêu chỉ khoảng 4 km. Do đó, những học sinh có điều kiện kinh tế gia đình khá giả đều có nguyện vọng được học tại các trường THPT trong TP. Còn những học sinh gia đình khó khăn muốn học nội trú, được hỗ trợ nơi ở, chi phí học tập thì đã được vào Trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh. Vì thế, dù trường được xây dựng hoành tráng nhưng chỉ có một vài học sinh đăng ký học nên không thể đi vào hoạt động.
Khắc phục kiểu "chữa cháy"
Trước nhiều ý kiến cho rằng quyết định thành lập, xây dựng mới Trường THPT Hưng Hội gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước và bức xúc trong xã hội, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở GD-ĐT bàn giao công trình cho Sở LĐ-TB-XH quản lý để chuyển đổi công năng thành trung tâm bảo trợ xã hội.
Hiện nay, trường này đang ráo riết sửa chữa để chuyển thành nơi nuôi trẻ mồ côi, trẻ tàn tật; nuôi dưỡng người già neo đơn, không nơi nương tựa và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị mua bán ra nước ngoài… Song, vẫn chưa xác định được đến bao giờ mới đưa vào hoạt động.
Nhiều người lo ngại, việc chuyển công năng từ các lớp học sang nuôi người già, trẻ mồ côi chỉ là phương án “chữa cháy” nhất thời và không phù hợp. Nếu không khéo sẽ dẫn đến lãng phí chồng lãng phí. Bởi hiện tại tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều trung tâm bảo trợ xã hội nằm rải rác ở các huyện và TP.
Đặc biệt là tỉnh này vừa mới đưa vào sử dụng một trung tâm bảo trợ xã hội khang trang, hiện đại tại TP Bạc Liêu. Chưa kể khi chuyển đổi công năng, hàng loạt các công năng khác như nhà trụ sở làm việc, điện, nước sinh hoạt, cửa, nhà vệ sinh… phải được chỉnh sửa, hoặc đầu tư mới hoàn toàn rất tốn kém, dự kiến chi phí phát sinh thêm hơn 5 tỉ đồng.
Xót của với trường nghề 20 tỉ phơi mưa nắng
Cũng tại huyện Vĩnh Lợi, Trường Trung cấp nghề xây dựng gần 20 tỉ đồng nhiều năm không sử dụng phải đóng cửa và đang xuống cấp.
Trường Trung cấp Nghề Bạc Liêu được xây dựng gần 20 tỉ đồng cũng bị bỏ hoang phế nhiều năm vì không có người học
Ban đầu, trường này có tổng dự toán trên 80 tỉ đồng nhưng do chưa có vốn nên cơ sở vật chất hiện nay mới được đầu tư khoảng 18 tỉ đồng, chủ yếu do ngân sách trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Trường này được đưa vào sử dụng từ khoảng 5 năm trước, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu quản lý.
Dù Sở giao chỉ tiêu cho trường tuyển sinh 1.000 người vào năm 2011 nhưng lúc đó chỉ có vài chục học sinh đăng ký học. Mục tiêu đào tạo của trường Trung cấp nghề Bạc Liêu gồm các ngành như: Kỹ thuật điện, sửa chữa lắp ráp máy lạnh, may thời trang, sửa máy nổ, điều hòa không khí; thiết kế đồ họa...
Do quá ít người học nên sau đó trường này được sát nhập vào Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bạc Liêu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dù nơi đây đã trở thành cơ sở 2 của Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu nhưng do không sử dụng hết công năm nên phải đóng cửa. Xung quanh các khu nhà xưởng cỏ mọc um tùm, nền nhà bị sụt lún, xuống cấp.
Bình luận (0)