Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X (trình tại kỳ họp HĐND tỉnh thường lệ giữa năm 2023). Trong đó đã thông tin về việc triển khai Chương trình Sữa học đường theo Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 20-7-2022 của HĐND tỉnh.
Trước đó, cử tri bày tỏ băn khoăn vì sao Chương trình Sữa học đường trong năm học 2022-2023 chậm triển khai, dẫn đến việc năm học đã kết thúc mà học sinh chưa được uống sữa.
Lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My - tỉnh Quảng Nam trao những hộp sữa trong chương trình sữa học đường cho học sinh trên địa bàn
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nội dung này đã được UBND tỉnh tổ chức họp và chỉ đạo cụ thể tại thông báo 124/TB-UBND ngày 14-4-2023. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở GD-ĐT rút kinh nghiệm nghiêm túc, báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm trễ triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường, trình UBND tỉnh để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh về tiến độ triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và giải trình các nội dung liên quan theo quy định.
Khẩn trương thực hiện các thủ tục tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để triển khai kịp thời việc cấp phát sữa cho các em học sinh ngay từ đầu năm học 2023-2024; nghiên cứu xây dựng hợp đồng của Sở với đơn vị cung ứng đảm bảo chặt chẽ, trong đó thực hiện việc thanh toán kinh phí theo học kỳ năm học và số liệu thực tế thực hiện…
Sáng 22-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho hay do vướng mắc trong hồ sơ đấu thầu qua các bước thủ tục nên chương trình triển khai bị chậm.
Theo ông Tường, hiện nay Thông tư 31 của Bộ Y tế về việc quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường đã bị hủy bỏ, Sở đang tìm quy chuẩn để đưa vào hồ sơ mời thầu nhưng chưa tìm ra. "Vừa rồi UBND tỉnh đã giao cho Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Sở Y tế ngồi lại bàn nhưng cũng chưa tìm ra quy chuẩn, cho nên vướng về hồ sơ" – ông Tường nói.
Theo ông Tường, Sở Y tế có ý kiến cho rằng Sở chỉ quản lý các loại sữa mang tính chữa bệnh, còn sữa uống giải khát bình thường, sữa học đường thì do Sở Công Thương quản lý. "Sở GD-ĐT làm báo cáo cho UBND tỉnh, đề nghị giao Sở Công Thương chủ trì, xem xét quy chuẩn để giúp Sở GD-ĐT đưa vào phương án đấu thầu, mời thầu cung cấp sữa cho học sinh" – ông Tường nói thêm.
Một nguyên nhân khác là vì từ trước tới nay, năm học bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau nhưng giao ngân sách cho chương trình sữa học đường thì theo năm tài chính, từ tháng 1 đến tháng 12 hàng năm. Vì vậy, việc triển khai chương trình gặp vướng mắc, khi hoàn thiện các thủ tục, đến tháng 5 thì hết năm học.
"Để khắc phục tình trạng đó, vừa rồi Sở tham mưu cho UBND tỉnh thay đổi cơ chế, cho làm hồ sơ mời thầu theo năm học chứ không theo năm tài chính và UBND tỉnh đã đồng ý" – ông Tường nói và cho biết Sở đang phối hợp với các ngành để hoàn thiện hồ sơ thủ tục đấu thầu, đầu năm học 2023-2024 chắc chắn học sinh sẽ được uống sữa học đường trở lại.
Bình luận (0)