Để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 16 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có hiệu lực từ ngày 18-9.
Các khoản thu phải được duyệt
Theo quy định mới, các trường học được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung như trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục hay hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, không được vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ…
Cũng theo quy định mới, định kỳ hoặc đột xuất, các trường xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng GD-ĐT phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; báo cáo sở GD-ĐT phê duyệt đối với các trường THPT. Các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT có trách nhiệm thẩm định phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của các trường.
Hệ thống camera lắp đặt tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế) do phụ huynh đóng góp Ảnh: Quang Nhật
Trường hợp phát hiện kế hoạch vận động tài trợ không đúng quy trình, quy định và không công khai minh bạch thì phải yêu cầu cơ sở giáo dục dừng triển khai kế hoạch vận động tài trợ. Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và nhà tài trợ….
Ban đại diện cha mẹ học sinh không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị.
Xã hội hóa và lạm thu: Ranh giới mong manh
Lý giải về quy định cho phép các trường được đứng ra vận động tài trợ, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD-ĐT, cho biết ngân sách chi cho giáo dục hằng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%. Tuy nhiên trong số 20% này thì tỉ lệ chi thường xuyên chiếm trên dưới 82%, trong chi thường xuyên thì chi cho con người chiếm 80%, 20% còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình.
Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu học phí thì sẽ không bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh nhu cầu dịch vụ giáo dục, đào tạo của xã hội ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học... nên rất cần chung tay góp sức của cả xã hội, các doanh nghiệp, phụ huynh học sinh…
Tuy nhiên, trên thực tế, giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt, chính vì ranh giới mong manh này nên đã dẫn đến tình trạng lợi dụng hội cha mẹ học sinh áp đặt cào bằng để thu tiền ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội…
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng muốn xã hội hóa cần bảo đảm 3 yêu cầu: đúng quy định, công khai, minh bạch. Nếu làm tốt 3 điều này thì sẽ không còn câu chuyện lạm thu. "Tôi ủng hộ quy định hội cha mẹ học sinh không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ. Họ phải giám sát nhà trường trong việc huy động xã hội hóa chứ không phải tiếp tay cho nhà trường làm việc sai" - ông Cường nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cũng đánh giá quy định "các tổ chức, cá nhân khác như ban đại diện cha mẹ học sinh, hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục" mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành sẽ tránh được tình trạng ban đại diện phụ huynh thông đồng với nhà trường để lạm thu của các phụ huynh khác và chi sai mục đích.
Ông Lâm nhấn mạnh cần phải tuyên truyền để các nhà quản lý giáo dục, nhà trường nhận thức rõ muốn xã hội hóa phải làm gì, làm như thế nào và khi nào được xã hội hóa. "Chúng ta cũng cần thông tin để hội cha mẹ học sinh hiểu rõ về xã hội hóa và vai trò tham gia giám sát trong công việc xã hội hóa để không xảy ra tình trạng lạm thu".
Nhiều địa phương yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh
Thông tư 16 bắt đầu đi vào hiệu lực. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, tình trạng lạm thu vẫn đang nở rộ. Tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hội phụ huynh một số trường đứng ra vận động với số tiền lớn để xây dựng cơ sở vật chất.
Ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế), cũng thừa nhận rằng qua kiểm tra các khoản thu - chi đầu năm từ đóng góp tự nguyện của phụ huynh, Phòng GD-ĐT TP Huế đã yêu cầu trường này trả lại toàn bộ số tiền đã thu. Ông Nam xác nhận đã trả lại hơn 100 triệu đồng cho hội phụ huynh để hoàn trả cho các trường hợp đã thu.
Trước đó, hội phụ huynh trường này đã đứng ra vận động phụ huynh toàn trường ủng hộ kinh phí để lắp đặt 18 camera và 21 máy vi tính ở phòng tin học dự tính là 340 triệu đồng. Ngay lập tức, trường này đã lắp đặt 18 camera ở các hành lang, cổng trường, phòng học... với số tiền khoảng 80 triệu đồng.
Tại Trường Tiểu học An Cựu (phường An Cựu, TP Huế) do Hội Phụ huynh trường đứng ra vận động, thu được hơn 67,2 triệu đồng "đóng góp tự nguyện" của phụ huynh lớp 1. Số tiền này nhanh chóng được chia ra để trả số tiền còn nợ 17 triệu đồng lắp camera từ năm học trước, hơn 13 triệu đồng để trồng cỏ nhân tạo khu vực lối vào, thư viện xanh và gần 36,7 triệu đồng để lắp đặt lan can lối vào, cột cờ inox, nhà để xe....
Vào năm học 2018-2019, Trường Tiểu học An Cựu có 5 lớp 1 với 190 học sinh, trong đó có 30 em là trái tuyến. Theo danh sách, trong số 43 phụ huynh đóng góp cho trường khoản tiền tự nguyện trên thì đa số đều là các trường hợp trái tuyến. Mức đóng chủ yếu từ 1-2 triệu đồng/phụ huynh, thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất đến 3 triệu đồng/phụ huynh.
Bà Trần Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Cựu, nói rằng vào buổi họp phụ huynh toàn khối lớp 1, nhà trường chỉ nêu ra một số khó khăn về cơ sở vật chất và hội phụ huynh đã đứng ra vận động ủng hộ đóng góp.
Trước đó, cũng tại TP Huế, Trường Tiểu học Quang Trung trả lại số tiền hơn 300 triệu đồng thu của 157 học sinh trái tuyến.
Một số phụ huynh có con em học tại Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) phản ánh nhà trường đề ra một số khoản thu không hợp lý, thu quá cao. Trong đó, học sinh học tại hội trường thôn 2A (xã Ea Kly) nhưng phải đóng góp tiền xây dựng trường như các cháu học tại điểm trường mới xây dựng. Ngoài ra còn thu tiền chăm sóc cây cảnh khi điểm trường chưa có cây cảnh; thu tiền bao đựng rác, gas ở mức cao.
Trao đổi với phóng viên, bà Nghiêm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng, khẳng định các khoản thu đều thực hiện đúng theo công văn hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk và được sự thống nhất 100% của phụ huynh, nhà trường không ép phụ huynh.
Theo ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Ea Kly, trước đây các khoản thu xã phê duyệt nhưng năm học này Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn hướng dẫn cụ thể nên xã không phê duyệt. Tuy nhiên, UBND xã đã có văn bản yêu cầu các trường phải thông báo cho xã về các khoản thu, hạn cuối vào ngày 28-9. Sau đó, UBND xã sẽ xem xét, đối chiếu xem những khoản thu nào không đúng, không hợp lý theo hướng dẫn của sở thì đình chỉ.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã có văn bản thông báo về quản lý tình hình thu - chi năm học 2018-2019. Theo đó, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lạm thu, thu sai quy định. Theo phân cấp, đơn vị làm sai, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Đối với UBND các quận, huyện: thành lập đoàn kiểm tra thu - chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục theo đúng phân cấp quản lý; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định; xử lý nghiêm, kịp thời những đơn vị thực hiện sai quy định. Tổng hợp gửi về sở để báo cáo UBND TP trước ngày 15-10.
Q.Nhật - C.Nguyên - Đ.Trinh
Bình luận (0)